Chả phải là bất ngờ. Bởi nhiều ngồi với Hữu Ước (H.Ư), tác giả của ba tập thơ. Một cuốn tiểu thuyết và ba tập truyện ngắn. Sáu vở kịch. Ba phim truyện nhựa. Và cũng không quên đắm chìm vô lãnh vực hội họa sơ sơ đã vẽ trên 150 bức sơn dầu cỡ lớn.? Về nhạc thì thôi rồi, đếm vội đã phát hành 18 ca khúc…
H.Ư như một dạng giời… hành? Nói tạng người đứng không yên ổn ngồi không vững vàng thì chả phải. Nhưng có lẽ phải nhất trí khi có ông… thày tướng khẳng định H.Ư thuộc tạng tâm viên ý mã. H.Ư tuổi Rắn (sinh 1953) nhưng trong tâm trí luôn có con vượn (viên) nhảy nhót và trong lòng luôn có con ngựa (mã) lồng lên. Người thế sao mà yên ổn thanh nhàn? Nghĩa là phải làm lụng phải hành động. Nhưng trong rủi có may. Giữa họa có phúc. Người biết chế ngự cho con vượn không phá phách cho con ngựa khỏi lồng lên như ngựa vía mà là ngựa chứng, ngựa hay thì dễ làm nên nghiệp?
Nghiệp H.Ư có nên không? Tóm tắt chút xíu. Tình nguyện đi bộ đội từ năm 17 tuổi, từng chiến đấu, bị thương ở mặt trận Lào. Trong đầu mảnh đạn vẫn còn. Rồi về làm báo Công an. Được phong đại úy, trưởng phòng trẻ nhất Bộ Công an. Đùng cái phạm một sai lầm nhỏ trong vụ viết về việc bắt người trái pháp luật. Những năm đầu tám mươi, mặt bằng dân chủ còn lỗi lõm này khác, khuyết điểm ấy thoắt thành việc hình sự hóa. Rồi bị tống vào tù. Gần ba năm ở nhà lao Chí Hòa, thôi thì trăm ngàn đắng cay khốn nạn. May được ra tòa. May hơn, trắng án. Ra tù lẽ thường dẫu có là cán bộ tốt phóng viên giỏi nhưng từng mắc vòng lao lý, trắng án đấy nhưng ở ngành công an khó mà vượng lại? Nhưng H.Ư đã vượt thoát nhiều thứ, trở lại là phóng viên báo công an. Chuyên môn giỏi. Dần dà là trưởng ban rồi Phó, Tổng biên tập không chỉ tờ Công an mà còn phụ trách các tờ Văn hóa văn nghệ CA, An ninh thế giới. Kiêm Phó Tổng cục xây dựng lực lượng. Rồi dần dà cái tên đại tá rồi trung tướng nhà văn Hữu Ước, Anh hùng lao động Hữu Ước đã neo quen với bạn đọc.
Riêng việc viết lách, ngần ấy số lượng tác phẩm vừa kê biên trên đây thế mà mỗi khi gặp H.Ư thấy trưng ra cuốn mới tặng bạn bè lại bắt gặp ngay chất giọng tưng tửng chưa phải là cuốn cuối cùng đâu nhá…
Cuốn cuối cùng? Nếu như cứ nối nhau các thứ dễ lãng quên? Nhưng rồi lần ấy, H.Ư thẳng đuột dự định viết một cuốn về chính cuộc đời mình. Như kiểu tự truyện.
Hồi ký? Tôi giật mình. Nội những biến cố, thăng trầm của ba năm trong Chí Hòa hơi bị xứng đáng tư liệu cho một cuốn sách quá hấp dẫn? Có nhiều lắm đâu những nguyên mẫu dạng H.Ư?
Không rõ H.Ư đọc John Updite chưa nhưng cái cung cách bộc bạch sao giống thế? Jonh Updite, nhà báo nhà văn Hoa Kỳ từng đoạt giải Pulitze thời buổi computer với laptop này khác nhưng khăng khăng ngợi ca việc viết bằng tay bởi ông không thể xa rời mùi thơm của giấy cùng âm thanh sột soạt khẽ khàng mê hồn của tiếng bút chạy lúc gấp gáp khi ngập ngừng. Nói tóm lại, thứ văn phòng nhị bảo giấy cùng bút mực mới gợi hứng cho ông. Nói như thế không có nghĩa là tất tật những anh viết lách không dùng hoặc không biết viết bằng máy điện toán đều có tài lẫn danh như Jonh Updite. Còn H.ư thì khẳng định chắc khừ (chứ không thở dài bất lực kiểu những dạng lười lẫn dốt rằng không thể nào làm quen được lối viết bằng computer) rằng tao yêu tiếng sột soạt của bút khua trên giấy.
H.Ư viết như thế nào?
Là tôi đang nói cái nghĩa đen việc viết của H.Ư. Thoáng nhớ đến cái mỉm cười kín đáo của Tô Hoài khi mục sở thị việc viết của nhà văn Nguyên Hồng. Đại loại là ông đi ra đi vào mặt mũi đăm chiêu khổ sở. Hết soạn giấy so giấy rồi lại xếp sắp không thể gọn hơn cái bút, lọ mực. Hệt một mẹ gà mái đang sửa soạn cái ổ đẻ. Thoáng nhớ thôi chứ không có cái ý so sánh H.Ư với văn hào Nguyên Hồng ý này chuyện khác. Thoạt mới gặp, cung cách viết của H.Ư bằng tay nom nó nhẹ nhàng nếu không muốn nói là đơn giản? Bất kỳ chỗ nào H.Ư cũng có thể lia bút được. Mà rất nhanh. Vừa ngồi nước trà hay chén rượu thuốc lào với nhau quên cái mũ quay trở lên phòng đã thấy H.Ư nhoay nhoáy lia chữ. Nhoay nhoáy lia không riêng chi khi viết Kiếp người mà vô số thứ khác trong kho tàng kịch truyện cả thơ nữa thứ đã trình làng, thứ còn ỉm trong kho của H.Ư. Mà thứ chữ, dạng văn tự của H.Ư, cực kỳ khó đọc. Tháu, thoắng đã đành. Những con chữ nó lại khi xun lại từng búi, khi dài ngoẵng loằng ngoẵng có lẽ chỉ có cô Thu ở ban trị sự tòa báo An ninh thế giới mới có thể luận được để gõ ra chữ mà thôi!
Nhà văn Hữu Ước bên trang bản thảo.
Ngó kiểu viết như băm như bổ khi hăm hở lúc nhoay nhoáy hình như độ lia bút ấy không kịp theo cái mạch nghĩ hơi bị ào ạt của H.Ư? Tâm viên ý mã những vượn cùng ngựa mà? Kiểu viết ấy khiến tôi đồ rằng Kiếp người không theo cái mạch lớp lang chuẩn chỉnh kiểu đề cương như những anh viết cẩn trọng khó tính khác mà H.Ư xử lý theo cái mạch khi đã đặt bút thì tình huống trạng huống hoàn cảnh tính cách nhân vật cũng theo đó mà hiện hình? Nhưng chớ tưởng kiểu viết nhanh như thế để suy ra một H.Ư dễ dãi. Dạo người vợ thân yêu đột ngột mất vì tai nạn, H.Ư xọm xuống nhiều. Bữa ghé qua, thấy những ngón tay vốn thuần thục của H.Ư vê mồi thuốc lào thấy tự dưng lẩy bẩy. Bạn bè có mặt ái ngại nói phải giữ sức… Chuyện một hồi vỡ ra việc H.Ư vừa làm cái việc hóa vàng bản thảo. Thời điểm vợ mất, H.Ư đã lia bút không biết bao lâu được tròm trèm 700 trang Kiếp người. Rồi không biết lẩn mẩn những gì trong những đêm mất ngủ, H.Ư đã quyết định đổi thể loại, hình như dạng hồi ký sang tiểu thuyết? Bởi theo H.Ư, ngay như người vợ thân yêu trong những năm H.Ư bị tù tội nếu dừng lại ở những dạng kể lể, liệt kê với sự việc và nhiều chi tiết cảm động từng tất tả đôn đáo chu toàn cho chồng trong tù dạng hồi ký thì chưa toát chưa hoành tráng chưa thăng hoa?
Trong Kiếp người, H.Ư biết vượt thoát khỏi loại hình hồi ký. Đã đành hồi ký, một phương tiện hữu hiệu là con đường, là sự lựa chọn đích đáng để người cầm bút giãi bày. Nhất đó lại là dạng hồi ký văn học không chỉ phản ánh nhu cầu tự biểu hiện cái tôi cá nhân của nhà văn mà như một lát cắt, một tiêu bản soi lên hiển hiện sinh động đời sống xã hội cũng như văn học một thuở một thời. Do quan hệ công việc H.Ư quen biết không ít. Trong Kiếp người những Đấng, ông, bà, anh, con, chị, hắn, gã, nó… thôi thì đủ cả nhang nhác hao hao nguyên mẫu của những X.Y, Z… ngoài đời. Lại thấp thoáng cả những tai to mặt nhớn này khác… Sẽ như thế nào chắc chắn là phiền toái nhiêu khê thậm chí gánh vạ nếu cái mạch kể lể liệt kê của thể loại hồi ký cần mẫn tỷ mỷ làm chức phận của nó. Nhưng khi đã vượt thoát ra mảnh đất khoáng đạt của thể loại tiểu thuyết, H.Ư được toàn quyền làm cái anh phù thủy điều khiến âm binh của việc sáng tạo. Tôi đồ rằng mặt bằng tiểu thuyết gần đây hiếm có cuốn nào liệt kê được một trận đồ bát quái những thang trật của giống người như Kiếp người. Từ quan đến thứ dân. Mà H.Ư không khuôn sáo mô típ na ná hay trùng dẵm cung cách khắc họa nhân vật khiến Kiếp người tõm vào thứ quen quen nhàn nhạt? Lối ứng xử, hành xử, thủ đoạn của từng hạng người, từ sự khốn nạn đến những nhân ái ấm áp của lòng tốt, H.Ư đều tìm ra được những chi tiết mới sống động, đắc dụng để khắc họa miêu tả…
Ngay như trường hợp của người viết bài này không may rơi vào hoàn cảnh oái oăm mà H.Ư từng lấy làm nguyên mẫu, thú thực tôi hồi hộp đợi H.Ư tái hiện cùng thể hiện trong tâm thế của một độc giả hồi ký. Nhưng tôi đã chả thể nhận ra mình ở Kiếp người bởi những tính cách chi tiết điển hình khác và mới nếu không muốn nói là độc đáo nhưng độc giả nhận diện ngay ra dạng, hạng nhà báo ở cái thời khốn khó ấy.
Cũng đừng hy vọng cây bút từng là một cán bộ cao cấp ngành công an hé lộ những thâm cung bí sử này khác! Thấp thoáng trong Kiếp người, ngay cái ác ở địa hạt đặc thù ấy hình như nó đã được mã hóa nhưng dễ nhận ra bằng thủ thuật, ký hiệu văn chương?
Kiếp người đang là dang dở. Còn phần hai với cái tên Lửa hay Lò lửa gì đó. Người đọc từng hồi hộp chia sẻ thân phận với Hữu, nhân vật chính qua Hắn hẳn là đang chờ đợi Hắn bươn chải ra làm sao với cái ghế Tổng Biên tập gần 20 năm. Như trên đã nói, thày phù thủy H.Ư điều khiển âm binh hơi bị đông như thứ trận đồ bát quái nên thày nhiều khi lỏng tay quyết, tay ấn nên một số nhân vật tình huống rơi vào trạng thái nhạt nhòa. Mong phần 2, tác giả vững tay ấn hơn để Hắn luôn là cái trục nam châm thu hút một cách có lý tình huống cùng là nhân vật để độc giả dẫu dễ tính cũng khó mà thể tất cho những lỗi nhịp sống sượng này khác trong Kiếp người đôi khi thấp thoáng phần I.
Cũng như chưa thể an tâm thở phào và xoa tay xong việc với tác giả khi đọc xong phần I chợt nghĩ ngay đến câu trả lời phỏng vấn - như một lời hứa với độc giả của nhà văn H.Ư khi bắt tay vào viết phần I tôi phải đeo bám đến tận cùng cái xấu cái ác kể cả những vướng mắc lệch pha của thể chế. Lại đâm lo khi H.Ư không biết xoay xỏa như thế nào ở phần II của Kiếp người những sự từng trải ấy mà viết không hay thì tôi là nhà văn bất tài…
Có lẽ cũng đành phải cố phải gắng thôi, thầy phù thủy Hữu Ước nhỉ?