Cơm công nhân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhìn mâm cơm ngày chủ nhật chỉ có vài miếng đậu hũ kho, bé gái 6 tuổi phụng phịu: “Mẹ ơi, con ngán lắm rồi. Cứ ăn đậu hũ, trứng chiên, rau muống hoài, con nuốt không nổi!”.

Chị Hiền vội quay mặt đi, cố giấu đôi mắt đỏ hoe đã ầng ậc nước. Chồng chị buông đũa, miệng nghẹn đắng… con trai vừa tốt nghiệp THCS vừa gắp thức ăn cho mẹ, vừa vỗ về em: “Bé Mi ngoan, ráng hôm nay thôi. Mai mẹ mua đồ ngon cho em ăn”.

Cơm công nhân ảnh 1

Tác giả: Huy Thịnh

Nghe hai đứa con đang độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nói chuyện, vỗ về nhau trong bữa cơm, người mẹ như đứt từng khúc ruột. Chị vừa xót xa, vừa xấu hổ với con và cảm thấy bất lực. Nhiều hôm, bất chợt thấy ánh mắt thèm thuồng của con khi đi qua hàng phở thơm phức ở đầu hẻm, chị đã định vay mượn, cho con ăn một bữa thoả thích rồi “muốn ra sao thì ra…”, bởi chị đã không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cơ bản và chính đáng của con. Tiêu chuẩn sữa cho con gái nhỏ cũng đã bị cắt từ nhiều tháng qua. Và, để cuộc sống gia đình bớt khó khăn, chị âm thầm xin giúp việc nhà theo giờ cho một gia đình khá giả gần chỗ làm, thi thoảng được chủ nhà thương tình, gói ít thức ăn về cho con.

Cơn “bão giá” hoành hành trong thời gian dài đã làm giá của hầu hết hàng hóa - dịch vụ leo thang. Chi phí sinh hoạt ngày càng trở nên đắt đỏ. Nhiều gia đình công nhân lao động nghèo, đặc biệt là các trường hợp mưu sinh nơi đất khách đang phải thắt lưng buộc bụng, tằn tiện hết mức có thể bằng cách cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu, kể cả thiết yếu nhất như bữa ăn hàng ngày của gia đình. Thịt, cá các loại đang dần trở thành xa xỉ đối với không ít gia đình. Mỗi lần đi chợ là một lần cân nhắc, đấu tranh tư tưởng, bởi suy cho cùng, được ăn no, ăn ngon và đầy đủ dinh dưỡng là nhu cầu cơ bản của công nhân nói riêng, nhất là người lao động cần đảm bảo sức khỏe để làm việc, tham gia tái sản xuất. Phía sau họ còn là cuộc sống của cả một gia đình.

Chất lượng bữa ăn hàng ngày liên quan chặt chẽ đến sức khoẻ công nhân và hiệu quả của hoạt động sản xuất. Để công nhân đảm bảo sức khoẻ, tiếp tục tham gia tái sản xuất và tạo ra của cải cho xã hội, ngoài các chương trình bình ổn giá hàng hoá và lương thực thực phẩm thiết yếu, giải pháp căn cơ nhất vẫn là xem xét tăng lương cho công nhân sau một thời gian khá dài chưa điều chỉnh.

Tuy nhiên, giá cả hàng hoá - dịch vụ hiện nay như ngựa bất kham do chịu tác động không nhỏ từ giá xăng dầu trong và ngoài nước. Ngoài ra, nội lực của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng bị tổn thất nặng nề bởi đại dịch COVID-19, đến nay vẫn chưa kịp hồi phục. Vì lẽ đó, tăng lương đến mức nào hợp lý cần phải xem xét một cách toàn diện, trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

MỚI - NÓNG