Từ sau vụ việc gian lận thi cử đi vào lịch sử năm 2018 đến nay, Hà Giang gần như không thay đổi vị trí cuối bảng xếp hạng trong mỗi kì thi tốt nghiệp THPT, hay thi THPT Quốc gia (trước năm 2020). Hà Nội tiếp tục trượt top 10 địa phương có điểm trung bình cao nhất cả nước, không những thế, do số lượng học sinh dự thi lớn nhất nên số thí sinh bị điểm liệt trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của địa phương này cũng cao nhất. Những cố gắng trong nâng cao chất lượng giáo dục chắc chắn cần thời gian rất dài mới có thể đạt được mục đích như mong đợi.
Trong khi đó, năm 2025, cả nước bước vào chương trình sách giáo khoa mới. Tất cả 63 tỉnh thành bắt đầu từ vạch xuất phát để thực hiện hành trình mới. 19 năm thực hiện chương trình sách giáo khoa 2006, bằng thời gian một thế hệ trưởng thành, giáo dục Việt Nam có phát triển hơn so với giai đoạn trước nhưng với thế giới, vẫn chưa có bước tiến đáng kể, nhất là giáo dục ĐH.
Giáo dục Việt Nam vẫn chỉ loanh quanh câu chuyện thi, tuyển sinh cùng với tâm trạng lên bổng xuống trầm của phụ huynh học sinh khi đỗ - trượt. Vẫn thiếu những quyết sách đột phá, có tầm để đưa giáo dục bước sang trang mới, đón đầu sự phát triển của thời đại.
Đánh giá tổng thể, kết quả thi năm nay của học sinh cao hơn năm trước. Nhưng đề thi môn Ngữ văn, môn thi tự luận trong 9 môn tổ chức thi năm nào cũng băn khoăn “tủ đè”, “lệch tủ”, trùng ý tưởng… Với môn Toán, đề thi năm nay có yếu tố mới lạ, lập tức học sinh bó tay dẫn đến “trắng” điểm 10. Ở các môn học khác, có môn số lượng điểm 10 tăng gấp gần 10 lần nhưng có môn chỉ bằng 1/4 năm trước, có môn thì điểm trung bình tăng gấp đôi… Những “trồi sụt” điểm thi của thí sinh không phải lỗi do người dạy mà phải chăng Việt Nam đang thiếu hẳn năng lực về khoa học khảo thí.
Trong số hơn 1 triệu thí sinh biết kết quả thi tốt nghiệp năm 2024, có nhiều em đã nắm chắc cơ hội vào ĐH. Điểm thi cao, chỉ tiêu còn ít, một lần nữa đặt những học sinh không có cơ hội xét tuyển sớm vào cuộc cạnh tranh cam go, không cân sức để bước chân vào cánh cửa trường ĐH như mong ước. Bài toán “con gà, quả trứng” lại đặt ra khi thí sinh vùng khó không có điều kiện thi chứng chỉ ngoại ngữ, tham gia các kì thi riêng, điểm thi cũng không cao, không có cơ hội vào các trường ĐH top trên để sau này tốt nghiệp có việc làm tốt, thu nhập cao. Các em lại luẩn quẩn với chuyện đi học để thoát nghèo nhưng học xong vẫn nghèo.
Bức tranh giáo dục của Việt Nam hiện lên như đa diện hơn qua phổ điểm khô cứng từ những con số của kì thi tốt nghiệp THPT. Ngành giáo dục, đội ngũ thầy cô tiếp tục hành trình đổi mới, tiếp tục gánh vác trọng trách trồng người trên vai nhưng họ dường như không có khả năng để kéo gần khoảng cách xã hội giữa các vùng miền.