“Công nghệ” Nobel

TP - Tối qua giải Nobel văn học 2024 đã gọi tên nữ nhà văn Hàn Quốc 54 tuổi Han Kang, với những tác phẩm “văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt khi đối mặt với những tổn thương trong quá khứ và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”.

Một cái tên được cho là “bất ngờ”, khiến người đọc, không chỉ ở Việt Nam từ hôm qua bắt đầu lục lọi giá sách để đọc những cuốn của Han Kang đã mua từ trước, nhưng còn chưa lật ra, trong đó có tôi.

Văn tài của Han Kang xin không bình bàn ở đây, bởi đã và sẽ có nhiều nhà nghiên cứu làm điều đó một cách chuyên nghiệp. Chỉ thử ngẫm vài điều về những bước tiến ngày một thần tốc của nghệ thuật, văn chương xứ Kim chi ra thế giới.

Hai đỉnh cao là Oscar điện ảnh và Nobel văn chương liên tiếp vài năm gần đây, với Hàn Quốc đều là lần đầu tiên. Nhưng để có được điều này, người Hàn đã “nếm mật nằm gai” suốt nửa thế kỷ qua. Ngoài khuyến khích tài năng và nội lực của từng nghệ sĩ, thì đáng kể nhất đó là những chiến lược mạnh mẽ, cụ thể, kiên trì và đúng hướng cùng nguồn ngân sách khổng lồ với mục tiêu đưa Hàn Quốc đứng vào top 5 cường quốc về phát triển văn hóa đại chúng cũng như quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới.

Năm 1996, khi tác giả Nobel văn chương 2024 mới bước vào nghề viết thì Quỹ dịch thuật văn học Hàn Quốc (LTI) cũng ra đời. Kể từ đó, không chỉ Han Kang mà hầu hết các nhà văn khác được đầu tư dịch tác phẩm ra nhiều ngôn ngữ, số lượng đầu sách dịch năm sau gấp hàng chục lần năm trước.

Không phải ngẫu nhiên từ năm 2011, cuốn sách đầu tiên của Han Kang là The Vegetarian (Người ăn chay) đã được dịch sang tiếng Việt khi hầu như chưa biết bà là ai. Và cùng với 2 cuốn nữa được dịch sau này, độc giả Việt vẫn thường mua sách của Han Kang với giá không thể hạ thấp hơn! Vì rẻ mà mua, cũng chưa vội đọc ngay. Nhưng từ thời điểm này, mọi chuyện đã khác.

Dư luận từng dấy lên tranh luận, rằng nữ dịch giả người Anh Deborah Smith khi dịch cuốn The Vegetarian của Han Kang sang tiếng Anh đã thêm thắt “đồng sáng tạo” quá nhiều so với nguyên bản tiếng Hàn. Nhưng rồi năm 2016, dịch giả cùng tác giả Han Kang đã chia đôi giải Man Booker Quốc tế danh giá.

Nên nhớ Man Booker Quốc tế là giải thưởng lớn của nước Anh dành cho những tác phẩm được dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Anh – được xem là giải “tiền” Nobel. Để thấy sức mạnh dịch thuật văn chương ảnh hưởng ra sao đến số phận của tác phẩm, của nhà văn, thậm chí cả hình ảnh một quốc gia. Riêng về văn chương, không chỉ Han Kang, mà nhiều tác giả khác cũng liên tiếp gặt hái được những giải thưởng quốc tế quan trọng.

Từ trường hợp của Hàn Quốc, người ta đã đặt câu hỏi về vấn đề và vai trò trung gian của các kênh quảng bá, các “trung tâm quyền lực” trong hệ thống dịch thuật thế giới để có thể đưa tác phẩm đến gần hơn với thượng tầng các giải thưởng. Cách tổ chức viết, đọc, xuất bản và tiếp thị. Nhiều chuyên gia nhận ra ở đây gồm 3 vấn đề liên thông, đó là xuất khẩu và quảng bá; khám phá và tôn vinh; kết nối và bản địa hóa.

Nói cách khác, người Hàn đã có hẳn một “công nghệ” săn giải Nobel văn chương cũng như các môn nghệ thuật khác một cách khôn ngoan và hiệu quả. Dù cho tiếng Hàn cũng thuộc về “ngôn ngữ nhỏ”, có thể nhỉnh hơn tiếng Việt một chút.

MỚI - NÓNG