Một cách tiếp cận... ngành

TP - Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, từ mầm non đến đại học, chi phí dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Đề xuất trên được đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo trình ra UBTV Quốc hội cho ý kiến.

Dù mới chỉ dự thảo song điều đó cũng dấy lên những lo ngại trong cả cơ quan lập pháp lẫn người dân.

Hiện nay, nhà giáo đã được hưởng nhiều ưu đãi về chế độ lương bổng, thu nhập. Từ 1/7, giáo viên nhận lương từ 4,9 đến gần 15,9 triệu đồng một tháng, tùy cấp học và ngạch bậc. Ngoài ra, họ có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp như phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung và phụ cấp đặc thù khác. Cho nên không có cơ sở để vừa ưu đãi cho bản thân nhà giáo, lại vừa ưu đãi cho cả con nhà giáo trong suốt một thời gian dài.

Nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác hiện có thu nhập thấp và rất khó khăn, thậm chí hiểm nguy nhưng không được tính đến và con em họ cũng chưa từng được ưu đãi. Vì vậy, cần có sự công bằng trong ưu đãi giữa các đối tượng trong xã hội. Một điều rất quan trọng nữa là tiền đâu để chi cho khoản ưu đãi này nếu điều đó trở thành hiện thực? Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng không khỏi băn khoăn về tính khả thi và công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác.

Ưu đãi là sự đãi ngộ có tính đến hoàn cảnh, đặc thù nghề nghiệp, công việc, môi trường sống và công tác… nhằm đảm bảo tính công bằng và khích lệ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đối tượng ưu tiên chứ không phải để biến thành cơ hội đặc quyền đặc lợi cho cả ngành hay địa phương, đơn vị nào đó.

Các thầy cô giáo, nói rộng hơn là ngành giáo dục, hơn ai hết phải có bổn phận thực hiện công bằng xã hội như là tấm gương cho các thế hệ tương lai noi theo trong việc xây dựng và thực hành công bằng xã hội. Nếu không, các thầy cô giáo sẽ khó có thể rao giảng về công bằng xã hội khi chính mình và người thân đang được hưởng những đặc quyền đặc lợi.

Có quan điểm cho rằng, việc nâng cao ưu đãi cho nhà giáo để giữ lửa đam mê và giữ chân nhà giáo ở lại bục giảng. Điều đó không sai nhưng cũng không thật sự đúng. Thu nhập là yếu tố rất quan trọng, song thực tế cho thấy đó không phải là yếu tố mang tính quyết định để một người gắn bó với nghề giáo, và càng không quyết định đến năng lực, nhân cách, phẩm chất đạo đức và tâm huyết của nhà giáo. Điều mà nhà giáo đang rất cần trong lúc này là một môi trường sư phạm mà ở đó thật sự tôn trọng người thầy và người thầy được làm nghề “lái đò” đúng nghĩa.

Trong câu chuyện đề xuất ưu đãi kể trên đã bộc lộ rõ những khiếm khuyết, bất thường trong tư duy, nói cách khác là “tư duy lỗi”. Vì thế, người được giao chức trách không ngại ngần cài lợi ích nhóm vào trong luật. Nguyên nhân sâu xa do quy trình làm luật. Cơ quan thi hành luật lại được giao soạn thảo luật, dù chỉ là ở dạng chấp bút, song sẽ không tránh khỏi việc lái luật đi theo ý chí chủ quan, vì lợi ích cục bộ thay vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.