Đề xuất chi 9.200 tỷ miễn học phí cho con giáo viên: Người trong cuộc nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, từ mầm non đến đại học, chi phí dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/10 họp cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật nhà giáo.

Bộ GD&ĐT cơ quan chủ trì soạn thảo, đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.

Giáo viên vui vẻ

Một vị phó hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho rằng, nếu đề xuất này được thực thi thì đại đa số giáo viên rất mừng.

Tuy nhiên, theo giáo viên này, đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác khó khả thi và có rất nhiều rào cản.

“Khi chính sách mới được lấy ý kiến sẽ kéo theo nhiều vấn đề. Ví dụ, vấn đề xác định con nuôi hợp pháp của nhà giáo. Rồi việc này áp dụng được trong các trường công lập nhưng với giáo viên cơ sở tư thục có được áp dụng không”.

Mặt khác, nếu giáo viên được hưởng thì các đồng chí nhân viên làm trong ngành giáo dục có được quan tâm hơn không khi họ lương thấp hơn?

Dù đề xuất này thể hiện chính sách rất nhân văn với nhà giáo. Tuy nhiên, là một nhà giáo cũng là một phụ huynh, vị hiệu trưởng này đề xuất Bộ GD&ĐT nên tìm hướng tăng ưu đãi cho giáo viên đang công tác hơn là miễn học phí học tập ở các cấp cho con em họ.

“Nông dân người ta còn nuôi con đi học được huống chi là giáo viên”- vị này nhận xét.

Cũng theo vị phó hiệu trưởng, ngành giáo dục nên làm nốt những tồn tại chưa được khắc phục hơn là đề xuất cái mới. “Ví dụ đề án xếp theo vị trí việc làm hiện nay vẫn chưa thực hiện được, không ít giáo viên cứ đến hẹn lại tăng lương. Trong khi nhiều các cháu trẻ mới ra trường chỉ là giáo viên hợp đồng thôi lại làm rất tốt. Tuy nhiên chỉ tiêu biên chế có hạn. Vậy Bộ GD&ĐT nên rốt ráo vấn đề này thì hơn”.

Cũng trong dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến lần này, Bộ GD&ĐT còn đề xuất tăng một bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường cho những giáo viên mới được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Đồng thời, mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non được tăng thêm 10%, tiểu học 5%.

Về vấn đề này, vị phó hiệu trưởng cho rằng chưa hợp lí với những giáo viên đã có tuổi nghề cao.

Ví dụ, một cô giáo sinh năm 1977 là giáo viên dạy cô giáo sinh năm 1990, bằng cấp như nhau nhưng hiện nay hệ số lương đang bằng nhau vì ở thời điểm xếp chuyển hạng giáo viên trẻ được tăng từ 3,03 lên 4,0 ( tương đương gần 3 bậc lương cũ = 9 năm công tác); chị giáo viên kia từ 3,99 lên 4,0 rất thiệt thòi.

"Do vậy, giáo viên trẻ cũng nên xuất phát từ đầu, đãi ngộ lương cao hơn các ngành khác là giữ được chân họ. Còn hãy giữ phụ cấp thâm niên cho giáo viên thì tôi thấy hợp lý"- vị phó hiệu trưởng này đề xuất.

Đề nghị….thừa?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng, ông không tán thành với đề xuất của Bộ GD&ĐT cơ quan chủ trì soạn thảo miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác.

“Tôi không tán thành đề nghị này dù nếu nó được thông qua nhà tôi được hưởng lợi vì các con tôi là con của giáo viên”- ông Vương chia sẻ.

Cũng theo ông Vương, nghề nào lương thiện cũng có giá trị và sứ mệnh riêng. Giáo viên là một nghề như bao nhiêu nghề khác. Cái cần nhất đối với giáo viên là lương tốt, ổn định đủ để sống mức sống trung bình và một môi trường làm việc an toàn, dân chủ, nâng đỡ sự sáng tạo.

Ngoài ra xét về mặt kĩ thuật khi xét miễn học phí cho con giáo viên sẽ có nhiều chuyện nhạy cảm rắc rối. Việc miễn học phí cho con giáo viên vậy thế nào là "giáo viên", có phân biệt giáo viên hợp đồng ngắn hạn, dài hạn, giáo viên biên chế, giáo viên trường công, giáo viên trường tư, giáo viên độc lập không?

Bậc tiểu học, THCS là giáo dục nghĩa vụ, theo tinh thần luật giáo dục đã là miễn học phí rồi thì đề nghị trên có phải là ...thừa không?

“Trên thực tế "học phí" chỉ là một phần chi phí trong tổng thể chi phí phụ huynh phải chi khi có con học phổ thông, nhất là ở trường công. Khi giáo viên nghỉ việc, bị kỉ luật, chuyển đổi công tác giữa chừng thì học phí có còn được miễn không, thủ tục thế nào”- ông Vương nêu quan điểm.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến lần này, Bộ GD&ĐT còn đề xuất tăng một bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường cho những giáo viên mới được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Đồng thời, mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non được tăng thêm 10%, tiểu học 5%.

Hiện, cả nước có hơn 1,05 triệu nhà giáo hưởng lương từ ngân sách. Từ 1/7, giáo viên nhận lương từ 4,9 đến gần 15,9 triệu đồng một tháng, tùy cấp học và ngạch bậc. Ngoài ra, họ có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Nếu đề xuất mới được thông qua, chi phí tăng thêm để chi trả tiền lương cho giáo viên sẽ khoảng hơn 12.800 tỷ đồng một năm.

MỚI - NÓNG
Hà Nội khánh thành và gắn biển nhiều công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô
Hà Nội khánh thành và gắn biển nhiều công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô
TPO - Huyện Mê Linh đã tổ chức khánh thành, gắn biển công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô đối với dự án Tiểu học Thạch Đà B (xã Thạch Đà) và trường Mầm non Đại Thịnh. Trong khi đó, huyện Thanh Trì cũng khánh thành và gắn biển công trình cấp thành phố chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đối với Trường THCS Ngọc Hồi.