Lương giáo viên tăng thế nào?
Thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương cho giáo viên từ ngày 1/7/2024, theo đó, lương cứng được tính theo mức lương cơ sở mới, dự kiến là 2,34 triệu đồng theo đề xuất của Chính phủ, thay vì 1,8 triệu.
Như vậy, tiền lương trung bình của giáo viên dự kiến sẽ tăng khoảng 30%. Mức tăng lương cụ thể cho từng đối tượng sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, hiệu quả công việc.
Lương giáo viên dự kiến khoảng 4,9-15,87 triệu đồng một tháng từ 1/7, tùy bậc học, cao hơn mức cũ 1,13-3,67 triệu, chưa gồm phụ cấp.
Theo nghị quyết về cải cách tiền lương, có 9 loại phụ cấp mới như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, ưu đãi theo nghề... Tuy nhiên từ 1/7, các điều kiện chưa đủ thực hiện nên Chính phủ đề nghị giữ nguyên như hiện tại.
Với giáo viên, tùy vị trí, nơi công tác, mỗi người có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Giáo viên nói gì?
Cô giáo Nguyễn Thị Nhiêm, giáo viên trường THPT Vạn Xuân (Hà Nội) cho rằng, nếu như đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng của Bộ Nội vụ thông tin, thì mức thu nhập của cô vào 1/7 tới sẽ tăng 30%.
“Hiện tại, tôi nắm được thông tin lương cơ sở tăng, các mức phụ cấp vẫn như cũ. Nếu tôi nhân theo hệ số lương cũ thì tổng mức thu nhập của mình sẽ tăng khoảng 3 triệu đồng 1 tháng”.
Cô Nguyễn Thị Tính, phó Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho hay: “Tôi chưa tính cụ thể mức lương bao nhiêu. Tôi yên tâm với mức lương tăng 30% như được Bộ Nội vụ thông báo. Tuy nhiên, là người có công tác thâm niên 20 năm trong ngành, tôi rất tiếc nếu sau này bị cắt mất thâm niên nhà giáo. Điều này sẽ là thiệt thòi đáng kể cho giáo viên dạy lâu năm như chúng tôi”- cô Tính chia sẻ.
Cô Đỗ Ngọc Linh, giáo viên ở khu vực ngoại thành Hà Nội chia sẻ, với mức tổng thu nhập của cô giờ hơn 9 triệu cho thâm niên 20 năm, nếu 1/7 tăng lương cơ sở, cô được tăng dao động từ hơn 3 triệu đến 4 triệu đồng.
“Đây là mức lương tăng cao nhất từ khi đi dạy của tôi đến giờ. Một thông tin vui, ít nhất cũng bù được vào mức trượt giá hiện tại”- cô Linh chia sẻ.
Tuy nhiên, cô Linh tiếc nhất nếu sau này mức phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ.
Với cô Huy Thị Lộc, giáo viên trường Tiểu học Dương Liễu B (Hà Nội) chia sẻ, mức tổng thu nhập hiện tại của cô với thâm niên 14 năm làm nghề ở mức 9.800.000 nghìn đồng. Với mức lương tăng vào 1/7 tới, tổng thu nhập của cô lên tới 11.986.200 đồng, tăng so với lương cũ khoảng 2.184.500 đồng.
“Tôi không biết trong thời gian tới lại điều chỉnh là mức cắt biên chế giáo viên hoặc thêm mức phụ cấp các khoản khác của giáo viên sẽ khiến thu nhập của giáo viên sẽ thay đổi thế nào nhưng với mức tăng 30% so với mức lương cũ, phần lớn giáo viên rất vui vẻ và phấn khởi”- cô Lộc chia sẻ.
Trong khi đó nhiều giáo viên ở điểm trường Cờ Lẳng (xã Xín Cái, Huyện Mèo Vạc, Hà Giang) lại rất bình thản trước thông tin tăng lương.
Cô An, một giáo viên có thâm được gần 17 năm: "Tôi cũng không biết tính toán cụ thể tôi được tăng thêm bao nhiêu tiền hàng tháng. Nhưng giáo viên vùng biên viễn như chúng tôi luôn có khoản trợ cấp khác giáo viên vùng xuôi nên chúng tôi cứ yên tâm dạy trẻ. Tất nhiên nếu giữ các khoản phụ cấp thì sẽ tốt hơn nhiều”- giáo viên này chia sẻ.