Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Tăng lương, phụ cấp cho giáo viên là việc cấp bách

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Tăng lương, phụ cấp cho giáo viên là việc cấp bách ảnh 1

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh Như Ý

Báo cáo giải trình tại phiên chất vấn chiều 4/11, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, thiếu giáo viên là một vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và đã đề cập đến khá nhiều. Tính từ nay đến năm 2026, số giáo viên thiếu là 107.000, chỉ tiêu được duyệt hơn 65.000 cho việc tuyển từ nay đến năm 2026.

“Ngành Giáo dục rất cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, trong tình hình tinh giản biên chế mà vẫn bố trí cho ngành 65.000 chỉ tiêu. Đây cũng là một sự ưu ái rất lớn và vượt bậc”, ông Sơn cho hay.

“Nhân dịp tháng 11 này cũng là kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi cũng muốn thay mặt cho 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước muốn bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với toàn thể Quốc hội, với cử tri, với Nhân dân, với các vị phụ huynh trong suốt thời gian vừa qua đã dành cho nhà giáo nói chung một sự chia sẻ, một sự quan tâm, một sự lo lắng, một sự vun đắp”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng lý giải, con số 107.000 ngành Giáo dục đang tính theo thực tế, tức là các vùng miền núi, ở các điểm trường xa có thể có các lớp học không theo chuẩn, số học sinh sẽ ít hơn chuẩn lớp. Sự chênh lệch giữa các vùng nông thôn, miền núi hiện nay với tỷ lệ học sinh ở các vùng đô thị đang rất nhiều. “Một trong những khâu cần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên là cần phải rà soát, sắp xếp lại một lần nữa mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông”, Bộ trưởng nói.

Trong quá trình rà soát, sắp xếp năm 2021, Bộ đã sơ kết, thấy nhiều địa phương làm rất tốt, nhưng một số địa phương vẫn còn tình trạng sắp xếp một cách cơ học. Ông mong các địa phương không máy móc, cứng nhắc và cũng không vì sắp xếp để giảm số điểm trường, trong đó vẫn phải lấy mục tiêu là các cháu có được điều kiện học tập tốt nhất, thuận tiện nhất và các giáo viên cũng đỡ vất vả nhất trong quá trình triển khai các công việc của mình.

Về con số 65.000 chỉ tiêu, theo Bộ trưởng, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn lượng chỉ tiêu cũ chưa tuyển. Cho nên, cần phải khẩn trương vừa tuyển số cũ, vừa tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới.

Cấp bách tăng lương, phụ cấp

Tư lệnh ngành cũng thông tin, lộ trình từ nay đến năm 2030, cần phải hoàn tất việc bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên. Vì thế, nhiều địa phương đề xuất Quốc hội giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất có thể tạm tuyển số lượng giáo viên theo chuẩn cũ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc bồi dưỡng để làm sao đến năm 2030 số này có thể đạt chuẩn. Còn đến thời điểm đó, nếu như các trường hợp này chưa đạt chuẩn thì có thể họ phải chấp nhận không tham gia đội ngũ, đấy cũng được xem như một giải pháp cho các nguồn tuyển.

Cũng theo Bộ trưởng, trong quá trình triển khai Nghị định 116 về việc đặt hàng các trường đại học sư phạm để đào tạo giáo viên, trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc. Chẳng hạn rất nhiều địa phương cho đến thời điểm hiện nay không dám đặt hàng với rất nhiều lý do khác nhau. Bộ đang rà soát các nội dung liên quan, để làm thế nào đó tốt nhất cho các địa phương có thể triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên.

Về giải pháp ngăn giảm giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc, ông Sơn cho biết, Bộ sẽ rà soát các văn bản, thể chế, chính sách, trong đó vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách để giải quyết được đời sống cho giáo viên, với tinh thần có thực mới vực được đạo. “Đó là điều chúng tôi đang đề xuất và kiến nghị”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng quan tâm đến giải pháp cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Đặc biệt, về phía nhà giáo, về phía xã hội, về phía phụ huynh, ông mong có được sự chia sẻ, đồng hành cả hai phía. Nhà giáo cũng rất cố gắng, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nhưng về phía xã hội, về phía phụ huynh cũng thực sự chia sẻ và sự chia sẻ này sẽ tốt cho con em chúng ta.

MỚI - NÓNG