Đời công nhân trong 'bão' giá: Sống tằn tiện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tháng 5 mang nhiều ý nghĩa tri ân lực lượng lao động đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhìn vào đời sống công nhân thấy đa số vẫn quay quắt trong vòng xoáy “cơm áo gạo tiền”…

Chưa gượng dậy sau “bão” dịch thì “bão” giá đã ập đến. Giá xăng, gas tăng đã kéo hàng loạt mặt hàng thiết yếu đội giá theo, trong khi đồng lương cơ bản suốt hai năm qua vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Khi nhiều người tận hưởng kỳ nghỉ dài ngày trong lễ 30/4 - 1/5 để về quê vui chơi, đưa nhau đến nhà hàng, trung tâm thương mại thưởng thức món ăn ngon…, tại khu nhà trọ trên đường An Dương Vương (phường 16, quận 8, TPHCM), hàng chục công nhân vẫn ngồi nhà. Nơi đây có hơn chục phòng trọ, mỗi phòng diện tích chưa đầy 5m2, có giá thuê tầm 1 triệu đồng/tháng, là nơi trú ngụ của nhiều gia đình công nhân. Đa số làm việc tại Công ty Nhựa Chợ Lớn, Công ty Trần Tỷ, Công ty May 3Q Vina…

Đời công nhân trong 'bão' giá: Sống tằn tiện ảnh 1

Đồng lương không theo kịp đà tăng giá, công nhân đi chợ phải đong đếm từng món hàng

Trò chuyện cùng Võ Thị Kim Thanh (18 tuổi, công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn), cô cho hay, quê ở Hậu Giang cách TPHCM chỉ 200km nhưng chỉ về quê mỗi dịp Tết. “Tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy” - cô gái trẻ trần tình. Trong căn phòng trọ nhỏ treo đầy quần áo và chẳng có gì ngoài bộ bếp gas, Thanh kể, cha mẹ và 4 chị em cô rời quê lên thành phố mưu sinh đã gần 6 năm. Tuy chỉ mới 18 tuổi, Thanh đã có vài năm cùng mẹ và chị làm công nhân. “Một ngày, em làm việc từ 7 giờ 30 đến gần 21 giờ mới về đến nhà, lương tầm 5 triệu đồng/tháng. Từ sau dịch đến nay, công ty làm ăn khó khăn, đơn hàng ít nên công nhân chỉ làm việc đến thứ 6. Thời gian còn lại em cũng muốn kiếm gì buôn bán hoặc đi học thêm nhưng khó quá vì không có tiền”, Thanh nói.

Cũng trong xóm trọ này, ông Nguyễn Thanh Khoa (56 tuổi, công nhân khâu cắt sắt) cho hay, hai vợ chồng làm việc từ sáng đến tối mịt nhưng thu nhập cả hai chỉ tầm 10-12 triệu đồng. Mỗi tháng, tiền nhà trọ, điện nước hết 1,5 triệu đồng; gửi về quê cho 2 con 3 triệu đồng; số còn lại để ăn uống, phòng khi đau ốm… “Tằn tiện hết mức nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Từ khi mọi thứ tăng giá, tôi gần như bỏ hẳn việc cà phê vỉa hè với bạn bè. Ăn sáng cũng gói mì tôm, tô cơm nguội ở nhà” - ông Khoa nói.

Trong căn phòng trọ quây tôn, nóng hầm hập nằm sâu ở con hẻm nhỏ trên đường 47 (P Bình Thuận, quận 7, TPHCM), nơi ở cũng là “xưởng may dã chiến” của vợ chồng chị Lê Thị Ly (42 tuổi, quê Lâm Đồng). “Lớn tuổi nên khi bị thất nghiệp, tôi không dễ xin vào các nhà máy nên chỉ có thể làm thuê ở các cơ sở may nhỏ. Tiền công bữa có bữa không, hai vợ chồng gom hết tiền rồi vay mượn thêm để sắm chiếc máy may cũ rồi nhận hàng về làm thêm tại nhà. Thỉnh thoảng, có người nhận sửa đồ, mạng vá quần áo tôi cũng nhận”– chị Ly vừa nói vừa chỉ tấm biển hiệu nhận sửa quần áo treo ngoài cổng trọ. Chị hy vọng mọi chuyện sẽ qua nhanh, tương lai tươi sáng hơn sẽ đến.

Gương mặt đầy khắc khổ, ông Khoa cho hay, ông còn nợ tiền vay nóng gần 20 triệu đồng chưa thể trả. Năm ngoái, con trai đầu của ông Khoa đang làm việc thì bất ngờ bị tai biến, gia đình đành vay nóng vay nguội khắp nơi chữa trị rồi ngập trong nợ nần tới giờ. “Suốt mùa dịch, chúng tôi bị kẹt ở lại thành phố và phải đi xin gạo, hái rau dại về ăn cầm cự. Công ty có liên kết với BHXH quận 8 hỗ trợ cho công nhân 1,8 triệu đồng/người, nhưng tôi lại không được nhận. Liên hệ nhiều lần thì công ty nói BHXH sai sót, sẽ bổ sung nhưng tới giờ vẫn không thấy” - ông Khoa nói.

Chị Vân Thị Hồng (40 tuổi, quê Hà Tĩnh) ở trong khu nhà trọ tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Căn phòng chưa đầy 10m2 có giá thuê gần 2 triệu đồng/tháng là nơi sinh sống của 5 người trong gia đình chị. “Hai vợ chồng đều làm công nhân xưởng giày. Khi tôi sinh bé thứ 2, do con thường xuyên đau ốm nên nhờ bà nội ở quê vào chăm. Đồng lương hơn chục triệu đồng nhưng gồng gánh đến 5 người khiến mình làm gì cũng phải tính toán, đong đếm. Vật giá tăng nên gia đình cũng “trường kỳ kháng chiến” với rau muống luộc, đậu hũ kho” - nữ công nhân kể.

Tăng lương trước hạn

Mặc dù còn chờ Chính phủ đồng ý đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, nhưng nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đã quyết định tăng lương, thưởng cho công nhân sớm để họ giải quyết khó khăn trước mắt. Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh) quyết định nâng lương từ 5-10% cho 1.200 lao động từ 1/5. Trung bình, công nhân tăng thu nhập từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng/tháng. Với mức tăng này, công nhân sẽ có mức lương cơ bản trên 7 triệu đồng/tháng.

Ông Trịnh Minh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Đại Dũng, cho rằng, việc giữ nguyên lương cũ sẽ khiến công nhân “không sống được” khi giá cả đồng loạt leo thang. Trải qua dịch bệnh, công ty cũng gặp không ít khó khăn, việc cân đối ngân sách để tăng lương cho công nhân đợt này cũng không phải dễ dàng.

Tháng 5, lãnh đạo Công ty Sản xuất túi xách Minh Trang (huyện Củ Chi) cho hay, đã quyết định nâng lương bình quân lên 10 triệu đồng/người, tăng hơn 20% so với trước. “Để tăng lương, công ty buộc phải điều chỉnh giá hàng hóa trên thị trường. Thực tế, với mức lương chỉ hơn 3-4 triệu đồng/người/tháng thì khó đảm bảo được cuộc sống và thông thường các doanh nghiệp đều trả cao hơn gấp hai, gấp ba lần lương tối thiểu. Nhờ được nâng lương nên chúng tôi đã tuyển tương đối đủ công nhân, đáp ứng tiến độ đơn hàng giao đối tác” - bà Trịnh Thị Thu Hằng, đại diện Công ty Minh Trang, nói.

Dù chưa có kế hoạch tăng lương trước hạn nhưng bà Lê Thùy Trang, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn - APT (khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân), cho hay, Công ty luôn duy trì mức thu nhập ổn định để giữ chân lao động. APT còn có nhiều chương trình phúc lợi như tặng phiếu mua hàng từ 300.000 đồng/người cho tất cả nhân viên, người lao động mỗi dịp lễ; nâng khẩu phần ăn hằng ngày, cuối tuần… bồi dưỡng sức khỏe công nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, gần đây, việc giá xăng neo ở mức cao cùng với vật giá leo thang khiến đời sống công nhân, người lao động gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 là một trong những phương án không chỉ giữ chân mà còn thu hút người lao động quay trở lại làm việc, giúp cho doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất.

Ở góc độ người lao động, Công đoàn Các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM cho biết, các tổ chức công đoàn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cùng người lao động nâng cao tay nghề, phát huy sáng kiến, giảm hư hao, tăng năng suất... Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM, nói: “Chúng tôi tham gia việc ký kết thỏa ước lao động giữa tổ chức công đoàn với người sử dụng lao động. Thỏa thuận hợp lý, hài hòa thì lợi ích của doanh nghiệp cũng là lợi ích của người lao động”.

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG