Khéo co, vẫn chưa ấm
Trưa ngày 11/3, chúng tôi đến xóm trọ nghèo nằm sâu trên đường liên khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) đúng lúc bà Bùi Thị Tùng (61 tuổi, quê An Giang) vừa đi chợ về. Chưa kịp hỏi chuyện, bà đã than: “Lúc này thứ gì cũng tăng giá chóng mặt, cầm 100.000 đồng đi chợ mà tính toán mãi chỉ đủ tiền mua rau nấu nồi canh chua suông (không cá, chỉ có rau)”.
Lần giở mớ cá khô một nắng để phòng khi mưa gió, bà Tùng chọn 5 con cá, cho thêm chút dầu ăn rồi chiên mặn, trần tình: “Nấu nhiêu đây để dành ăn cả ngày. Đồ ăn đắt đỏ quá mà tiền làm không có, giờ chỉ còn cách tằn tiện vì cũng không còn cách nào khác”.
Từ ngày xăng vượt mức 20.000 đồng/lít, anh Lê Hữu Toàn (33 tuổi, quê Gia Lai) chở hàng thuê ở quận Gò Vấp đã không còn thói quen vào quán vỉa hè ăn cơm như trước. Mỗi ngày anh đều dậy sớm nấu cơm, rồi nắm mang theo khi đi làm. Anh nói, bây giờ ổ bánh mì còn trở thành xa xỉ khi nhảy từ 13.000 đồng lên 20.000 đồng/ổ; đĩa cơm bụi trước chỉ 18.000 đồng, nay vọt lên 30.000 đồng là… quá sang.
“Tôi nhận chở hàng thuê, lương tính theo ngày chỉ khoảng 300.000 đồng, xăng xe, ăn uống tự lo. Bây giờ xăng vọt lên tới gần 30.000 đồng/lít, kéo theo đó là hàng loạt vật giá sẽ tăng lên trong vài ngày tới. Thực sự tôi vô cùng lo lắng vì sợ không trụ nổi ở Sài Gòn” - ông bố 2 con thở dài, nói.
Bữa cơm “thời bão giá” nhà bà Tùng (ở phường Bình Hưng Hoà B, quận Tân Bình, TPHCM) gồm 5 con cá và nồi canh suông dành cho 4 người ăn cả ngày ảnh: U.P |
Đây là lần thứ 2 từ đầu năm 2022 đến nay, bà Bình, chủ quán cơm bình dân trên đường Kinh Dương Vương (gần Bến xe miền Tây) thông báo tăng giá lên 45.000-50.000 đồng/phần. Bà Bình phân trần, do giá xăng liên tục lập đỉnh mới nên đầu mối cung cấp nguyên liệu cũng tăng giá rau, thịt do chi phí vận chuyển cao. Đơn cử như các loại rau sống đều tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg; thịt gà, cá cũng tăng từ 15-20%; chi phí thuê lao động cũng tăng... “Không thể cầm cự nổi nữa nên quán phải điều chỉnh lại giá. Giá cao chắc chắn khách sẽ ít lại nhưng nếu không tăng, chúng tôi không trụ nổi” - chủ quán cơm trần tình.
Hết hơi cầm cự
Theo bà Huỳnh Phương Trinh, Phó tổng giám đốc Công ty sản xuất Bột quốc tế, giá các nguyên liệu nhập về hiện đã tăng từ 20-50%. Đáng chú ý là bột mì tăng đến 50% so với trước đây. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu thô khan hiếm, phần do tàu về chậm, giá cước tàu tăng gấp đôi… Theo tính toán của bà Trinh, giá thành phẩm bình quân hiện tăng hơn 20%. Tuy nhiên, công ty chưa tăng giá bán vì phải thương lượng với khách hàng và cần có lộ trình.
“Thời gian qua công ty đã cố gắng gồng mình để giữ giá bán với những khách hàng lâu năm, thế nhưng tình hình nguyên liệu và giá đầu vào sản xuất cứ liên tục tăng cao, chúng tôi không còn khả năng giữ giá bán như hiện nay” - bà Trinh nói và cho biết thêm, khả năng công ty sẽ điều chỉnh giá bán trong 1-2 tháng tới với mức tăng trên 10%.
Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, những năm trước, chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu và vận chuyển đều tăng nhưng Acecook Việt Nam đã nỗ lực để vượt qua nhiều đợt tăng giá khác nhau. Tuy nhiên đến nay tình hình đã đến mức doanh nghiệp (DN) dù cố gắng hết sức cũng không thể bù lại được. “Trong tình hình này, Acecook Việt Nam đã phải tiến hành tăng giá bán cho toàn bộ sản phẩm và áp dụng từ ngày 1/3, với tỷ lệ tăng giá có khác nhau tùy theo sản phẩm” - ông Kajiwara Junichi nói.
“Sắp tới, Sở sẽ xin ý kiến đóng góp về cơ chế hỗ trợ nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho DN đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó thực hiện tốt hơn vai trò tham gia điều phối, dẫn dắt thị trường và giữ giá bình ổn cho người dân”.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM
Đại diện một số hệ thống siêu thị cho biết, nhiều nhà cung cấp đã đề nghị siêu thị được tăng giá hàng hóa chủ yếu do giá xăng dầu tăng. Ông Trần Lâm Hồng, Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho hay, từ đầu tháng 3 dù nhận được hàng loạt yêu cầu tăng giá nhưng Saigon Co.op đang đàm phán, tìm mọi cách để kìm hãm việc tăng giá. Tuy nhiên, có thể từ đầu tháng 4 sẽ phải điều chỉnh giá hàng loạt với biên độ tăng khá cao.
Ghìm giá để hỗ trợ người tiêu dùng
Vừa qua, tại buổi làm việc với DN bán hàng bình ổn thị trường, đại diện Sở Tài chính TPHCM đề nghị DN sản xuất, kinh doanh thịt heo, trứng gà tạm hoãn tăng giá bán bình ổn dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng đủ để điều chỉnh. Lý do Sở Tài chính đưa ra là nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh sức mua đang thấp và giá cả có xu hướng tăng.
Các DN lớn như Vissan, Saigon Co.op, Satra, thừa nhận việc tăng giá lúc này sẽ đẩy sức mua xuống thấp hơn nữa. Theo thống kê của hệ thống siêu thị Satra, sức mua hiện giảm 5-7% so với cùng kỳ, lượng khách giảm đến 25%, giá trị hóa đơn mua hàng cũng giảm tương ứng. Tương tự, Công ty CP thông tin, tiêu thụ thịt lợn tại TPHCM đã giảm 30-40% so với trước, giá bán không tốt do thị trường tiêu thụ rất chậm…
Thống kê của Sở Công Thương TPHCM cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 89.093 tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 0,9% so tháng cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 177.803 tỷ đồng, giảm 6,6% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,6%).
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Yhương TPHCM, việc giá xăng dầu tăng giá khiến một số mặt hàng cũng tăng theo, gây khó khăn cho các DN sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng... Tuy nhiên, Sở mong các DN sản xuất, nhà bán lẻ giữ giá bình ổn để giữ sức mua, đồng thời có thể chia sẻ khó khăn với người dân trong mùa dịch.