Nhiều áp lực
Từ đầu tháng 2 đến nay, việc tăng giá xăng dầu liên tục đã gây nhiều khó khăn cho rất nhiều DN sản xuất, đặc biệt là DN tham gia vào chương trình bình ổn thị trường. Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Vfood) - đơn vị cung ứng các sản phẩm trứng gia cầm cho rằng, trong cơ cấu giá thành mặt hàng trứng, tác động giá xăng dầu không quá nhiều, chỉ có khâu vận chuyển logistics nhưng điều này cũng không quá tác động đến giá cả. Tuy nhiên, điều ông Thiện lo ngại hiện nay là các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu viện dẫn lý do xăng tăng giá để tăng giá vật liệu, từ đó dẫn đến giá thành trứng phải tăng theo.
Doanh nghiệp bình ổn chật vật giữ giá |
“Chỉ mấy ngày sau đợt tăng giá xăng dầu lần đầu, các đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào đã thông báo kế hoạch tăng giá của họ, mỗi thứ từ 10-20% tùy loại. Với đợt tăng giá mới này thì các nhà cung cấp nguyên vật liệu tăng giá coi như là chắc chắn rồi. Tuy nhiên, chúng tôi lại không thể tăng giá bán của mình vì đã ký kết với chương trình bình ổn thị trường (cam kết trước và sau tết một tháng không tăng giá) của thành phố. Nhưng với áp lực hiện tại, có thể sau giai đoạn này, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh lại giá bán ra, thời gian có thể từ tháng 3/2022” - ông Thiện cho biết.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân khẳng định, DN đang gặp vô vàn khó khăn từ khi có dịch bệnh, bây giờ đến xăng tăng giá đã ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm. “Tuy nhiên, dù bất cứ lý do gì thì chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để giữ giá, ít nhất là đến hết quý I” – bà Ba Huân khẳng định.
“Đơn vị cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu báo giá tăng 10-15% từ sau Tết Nguyên đán với lý do xăng tăng giá, giá vận chuyển trong nước cũng tăng hơn 10%, song đến nay chúng tôi vẫn chưa dám điều chỉnh tăng giá bán. Chúng tôi đang cân đối tình hình sản xuất, bây giờ chỉ cần tăng thêm từ 30.000-50.000 đồng/sản phẩm bán ra, lượng khách hàng có thể mất 30%. Vì vậy lúc này vẫn đang giai đoạn cầm cự, nhưng e là rất khó giữ giá được lâu” - bà Nguyễn Minh Hòa, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm khô ở huyện Củ Chi lo lắng nói.
Người dân chịu thiệt
Trước vấn đề nhiều DN bình ổn thị trường lo khó giữ giá, lãnh đạo Vfood Trương Chí Thiện cho rằng, lúc này rất cần các sở ngành, siêu thị, các kênh phân phối ngồi lại với nhau, có thể triển khai nhiều giải pháp như giảm chiết khấu, tăng khuyến mại, chia sẻ lợi nhuận, khó khăn… Chỉ có cách này thì sản phẩm dù có giá tăng nhưng vẫn đến tay người tiêu dùng với giá thấp nhất.
Nhiều loại thực phẩm tăng giá theo xăng, dầu |
Theo các chuyên gia kinh tế, với tình hình hiện nay, nếu các DN không chịu nổi phải điều chỉnh giá cả sản phẩm thì người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt. Theo ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), giá xăng dầu tăng chưa làm giá cả hàng hóa tăng ngay vì còn có độ trễ. Tuy nhiên, xăng dầu là chi phí đầu vào của mọi loại hình sản xuất - kinh doanh nên việc đội chi phí là không tránh khỏi.
“Đối với DN FFA, trong suốt năm 2021 không điều chỉnh giá dù phải phòng, chống dịch COVID-19 vừa sản xuất. Sau Tết, thị trường trong nước khá ảm đạm; cùng với đó, giá xăng tăng ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào… Tuy nhiên DN vẫn phải cố gắng hoạt động để tạo công ăn việc làm, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng để chờ cơ hội thị trường phục hồi. Xăng tăng ảnh hưởng nhiều đến DN nhưng ảnh hưởng lớn hơn là người lao động. Bởi đây sẽ là ngòi nổ để lạm phát lên cao” – ông Dũng nhìn nhận.
Hỗ trợ người tiêu dùng thế nào?
Về phía hệ thống phân phối, nhiều siêu thị cũng nỗ lực “gồng gánh” thông qua giữ giá hoặc tổ chức giảm giá, từ đó giúp giá hàng hóa không biến động bất thường để người dân yên tâm mua sắm. Như Satra có chương trình “Mua sắm ngay - Săn ưu đãi” từ đây đến hết tháng 2/2022; Bách Hóa Xanh bán rau chỉ 10.000 đồng/kg; giảm giá 50% các mặt hàng trái cây, củ quả…
Các siêu thị gồng gánh nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hỗ trợ người tiêu dùng |
“Từ sau Tết, nhiều nhà cung cấp thực phẩm gửi thông báo tăng giá nhiều mặt hàng. Tuy nhiên chúng tôi tìm cách đàm phán với họ, đồng thời đưa những sản phẩm giá tốt nhất để hỗ trợ khách hàng mua sắm nhất là trong giai đoạn nhiều mặt hàng tăng giá như hiện nay. Dự định, chương trình khuyến mãi của siêu thị sẽ kéo dài trong thời gian tới” – ông Đặng Thanh Phong, đại diện hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh cho biết.
Đại diện siêu thị MM Mega Market thông tin, do giá xăng dầu tăng gấp 3 lần nên ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển và chi phí bao bì; chi phí vận chuyển quốc tế cũng bị ảnh hưởng do giá xăng dầu thế giới tăng và hoạt động kinh doanh khôi phục trở lại sau đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng cũng sẽ tác động đến giá thành sản phẩm. “Tại MM Mega Market, chúng tôi đã và đang cố gắng trì hoãn việc tăng giá, đồng thời làm việc thật chặt chẽ với nhà cung cấp để có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất có thể cho người tiêu dùng” - đại diện MM cho hay.
Đại diện Sở Công thương TPHCM thông tin, đơn vị này đang cố gắng để ổn định thị trường. Theo Sở, hiện nay không có tình trạng khan hiếm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu do đã được chuẩn bị sẵn để cung ứng đủ trước, trong và sau Tết 1 tháng. Trong đó, chủ lực đảm bảo nguồn cung lẫn bình ổn giá là hệ thống các chợ đầu mối, truyền thống, doanh nghiệp bình ổn thị trường và hệ thống siêu thị.