Ngày 11/2, tại buổi toạ đàm gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu đầu xuân Nhâm Dần 2022 chủ đề “TPHCM – Sức sống mới sau dịch COVID-19: Định hướng và phát triển dưới góc nhìn kinh tế” do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm vượt khó cũng như hiến kế giúp thành phố thêm sức sống mới.
Chia sẻ tin vui khi hiện công ty đã phục hồi sản xuất 100%, bà Lê Thị Mỹ Châu (kiều bào Mỹ), kinh doanh trong lĩnh vực dệt may cho biết, điều may mắn là đến nay, chưa một công nhân nào rời công ty khi thành phố mở cửa trở lại. “Bí quyết là chúng tôi luôn ưu tiên về con người” – bà Châu tâm sự.
Bà Lê Thị Mỹ Châu chia sẻ kinh nghiệm giữ lao động |
Cụ thể, khi thành phố yêu cầu DN thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, điều công nhân quan tâm nhất chính là nơi ăn, chốn ở, ổn định gia đình để yên tâm sản xuất. Nắm bắt điều đó, DN đã liên hệ với các khu nhà trọ có công nhân của công ty để chi trả tiền trọ; có xe đưa đón công nhân để an tâm phòng dịch. “Chúng tôi còn liên kết với ngân hàng cho công nhân vay tiền, mỗi gia đình công nhân được vay 20 triệu đồng. Khi sản xuất trở lại, công ty sẽ trích một phần tiền lương để trả ngân hàng bằng cách chia nhỏ từ 1-2 năm, đổi lại công nhân cam kết làm việc với công ty lâu dài. Nhờ đó, công ty vẫn giữ chân được lao động, công nhân cũng yên tâm khi ở lại làm việc” – bà Châu nói.
Trong khi đó, ông Steve Bùi (kiều bào Nhật Bản), Chủ tịch Delta E&C Nhật Bản nhìn nhận, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng nhiều DN đã có bước nhảy vọt trong năm qua. Đơn cử như các khách hàng liên hệ với DN của ông Steve Bùi đã tăng gấp đôi trong năm qua. “Có thể do dịch bệnh, khó khăn trong đi lại nên các khách hàng đều cần thông tin đầu tư tại Việt Nam, họ đã tìm đến DN của chúng tôi nhờ tư vấn” - Chủ tịch Delta E&C Nhật Bản nói.
Lãnh đạo thành phố mong muốn kiều bào góp ý, hiến kế, đầu tư xây dựng thành phố sau dịch |
Cũng theo ông Steve Bùi, Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số uy tín rất cao trong đợt dịch vừa qua. Đây cũng là cơ hội để các DN Việt nắm bắt để phát triển.
Với vai trò cố vấn cho DN vừa và nhỏ tại TPHCM, ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore) chia sẻ, sau dịch, các DN rất cần được Nhà nước giảm – giãn thuế phù hợp, để DN thấy được sự đồng lòng, hỗ trợ, tương trợ của thành phố với họ. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng cần thể hiện sự quan tâm đến DN, đến người dân bằng những hành động cụ thể…
Dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho TPHCM, vậy việc quy hoạch kiến trúc sau COVID-19 cần phải làm gì? TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn (kiều bào Canada) hiến kế nghiên cứu lập mô hình đô thị sức khỏe bằng cách lấy một cụm bệnh viện đa khoa kết hợp với trường đại học tạo thành trung tâm ứng phó với dịch. Đồng thời chúng ta cần cải thiện thông tin mạng; mở rộng hợp tác liên kết vùng…
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan ghi nhận sự đóng góp của kiều bào |
Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan ghi nhận sự đóng góp quan trọng của kiều bào đã gửi tiền, vật tư thiết bị, nhu yếu phẩm và hiến kế nhiều cách giúp thành phố chống dịch. Theo ông Võ Văn Hoan, chủ đề năm 2022 của TPHCM là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19; ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của kinh tế; hỗ trợ hiệu quả DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của thành phố.
Để đạt được mục tiêu này thì ngoài nỗ lực của thành phố, sự hỗ trợ của Trung ương thì các kiều bào là một trong những nguồn lực quan trọng cần huy động nhiều hơn nữa. Lãnh đạo TPHCM rất mong kiều bào tiếp tục quan tâm góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả y tế cho người mắc COVID-19; nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, xây dựng mô hình và phương thức hoạt động của TP Thủ Đức; các giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; thu hút đầu tư...