Phiên giao dịch đầu tuần, thị trường trong nước diễn biến không mấy tích cực, sắc đỏ chiếm ưu thế trên toàn thị trường, chủ yếu do lực đè của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Diễn biến này tương đồng với thị trường khu vực.
VN30-Index đóng cửa mất hơn 16 điểm (1,1%), đà giảm của các blue-chip rổ này kéo VN-Index giảm thủng mốc 1.500 điểm. Tại rổ VN30, 23 mã giảm áp đảo 7 mã tăng. VHM là mã tiêu cực nhất, lấy đi của VN-Index 1,8 điểm. Các mã ngân hàng trong VN30 cùng giảm, cùng với MSN, SAB, VJC càng nới rộng thêm đà giảm của chỉ số. Nhóm chứng khoán, bất động sản cũng chìm trong sắc đỏ.
Giá cả hàng hoá toàn cầu tăng lên đỉnh 14 năm trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn khiến một số mặt hàng tại Mỹ, châu Âu dự báo bị gián đoạn nguồn cung từ Nga (phân bón, thủy sản, gỗ, than).
Phiên hôm nay cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng hoá tiếp tục tăng mạnh. Bất chấp thị trường điều chỉnh, cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng trần: BFC, DPM, DCM, VAF, PSW, PMB.
Hai mã thanh khoản cao nhất nhóm phân bón, thuộc nhóm dẫn đầu thị trường, là DCM, DPM đều đã lập đỉnh mới. Như DCM, thị giá cổ phiếu tăng hơn 16% chỉ qua 1 tuần, hôm nay đóng cửa ở mức 43.100 đồng/cổ phiếu. DCM tăng giá 5 phiên liên tiếp. DPM cũng tăng gần 12% chỉ qua 1 tuần.
Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, giá phân bón bị ảnh hưởng bởi giá phân bón thế giới. Các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga (chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại phân bón chính trên toàn cầu) sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến tăng giá phân bón dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.
Với việc giá dầu thế giới tiến sát 140 USD/thùng, cổ phiếu dầu khí, xăng dầu lại đua nhau bứt phá trong phiên hôm nay. GAS tăng 5,6%, là mã dẫn đầu đà tăng của thị trường, kéo VN-Index tăng hơn 3 điểm. PVC, PVD tăng trần. OIL tăng 8%. PVS, PXT tăng trên 6%. BSR tăng 5,7%, PXS, PLX, PET đều tăng mạnh.
Với mặt bằng giá dầu được dự báo neo cao trong thời gian tới, giới đầu tư, phân tích đặt kỳ vọng, cổ phiếu dầu khí sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn, khi giá dầu cao sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành.
Cổ phiếu thép chìm trong sắc xanh, biên độ tăng chủ yếu 3-4%. Các mã lớn như HPG, HSG, NKG tăng mạnh kèm thanh khoản cao. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam vào năm 2021, chủ yếu với mặt hàng tôn mạ. Do đó, các nhà xuất khẩu tôn mạ hàng đầu của Việt Nam (HSG, NKG) được kỳ vọng có cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ tại EU trong thời gian tới.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,28 điểm (-0,42%) xuống 1.499,05 điểm. HNX-Index tăng 2,27 điểm (0,5%) lên 452,86 điểm. UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,06%) xuống 113,22 điểm.
Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên cuối tuần trước, trong đó giá trị khớp lệnh trên HoSE tăng hơn 7%, đạt 29.794 tỷ đồng. Khối ngoại quay lại bán ròng hơn 1.463 tỷ đồng, bán mạnh nhóm bất động sản: NLG, VHM, NVL, VRE…