Nóng ‘bỏng tay’ cổ phiếu thép, hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phải mất khoảng 4 tháng (từ tháng 11/2021), HPG mới quay lại vùng giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu cảm thán: “HPG hôm nay lạ quá, màu tím  HPG lâu rồi mới thấy”. Sóng ngành thép đang hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine

VN-Index lấy lại mốc 1.500 điểm với sự hậu thuẫn của hầu hết nhóm ngành, đóng góp tích cực từ nhóm vốn hoá lớn. VN30-Index đóng cửa tăng 23,8 điểm (1,59%) lên 1.522 điểm. Rổ VN30 với 24 mã tăng giá, kéo chỉ số chính tăng mạnh: HPG đóng góp tới hơn 3,5 điểm. Toàn bộ 10 mã tích cực nhất thị trường là cổ phiếu VN30: VPB, GVR, NVL, CTG, GAS, MSN, VCB, MBB, VHM.

Đi cùng “sóng ngành” thép, HPG cũng vừa có tuần giao dịch khởi sắc, giá tăng gần 9%. Hôm nay, thanh khoản HPG tăng vọt gấp 4 lần phiên hôm qua, trao tay hơn 77,8 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 3,79 tỷ đồng. Thanh khoản của HPG chiếm tới 12% giá trị giao dịch toàn sàn HoSE. Khối ngoại mua ròng HPG với giá trị gần 62 tỷ đồng.

Các cổ phiếu khác trong nhóm thép như POM cũng tăng trần, NKG, HSG tăng sát giá trần. TVN, BVG tăng trên 6%, TLH, NSH đồng loạt tăng giá. Thanh khoản cổ phiếu thép tiếp tục giữ ở mức cao. Chỉ trong tuần qua, nhiều mã ngành thép tăng giá 10 – 20% khi thép Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi tại EU.

Giới phân tích nhận định, khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch COVID-19.

Các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất xuất khẩu thép từ các thị trường khác.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, EU đứng thứ 3 trong top các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam chiếm 13% tỷ trọng (tương đương 1,6 triệu tấn) trong năm 2021. Con số này tăng tới hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2020 (2,86%).

Giá cả hàng hoá tiếp tục tăng cao, nguồn cung có thể ảnh hưởng vì căng thẳng Nga – Ukraine cùng các lệnh trừng phạt, cũng là chất xúc tác cho cổ phiếu dầu khí, phân bón, than.

Phiên hôm nay, cổ phiếu các nhóm ngành trên tiếp tục khởi sắc, đặc biệt ở nhóm than: TVD, TDN, THT đồng loạt tăng trần gần 10%. Nhóm dầu khí, phân bón có sự phân hoá nhất định.

“Họ” P có PXT, PVS tăng trần, PXS, PLX tăng giá, trong khi PVD, POW điều chỉnh, hay PET còn giảm tới 3,6%.

Ở nhóm phân bón, DCM, BFC tăng khoảng 2%, còn DPM, SFG điều chỉnh nhẹ.

Nhóm vận tải, vận tải biển gây chú ý trong phiên hôm nay, số mã tăng trần áp đảo trên HoSE: VSC, VOS, HAH, GMD, MHC, PVT, VTO, VIP… Cổ phiếu đồng loạt “tím” trong bối cảnh cước vận tải đã và tiếp tục được dự báo tăng mạnh trong năm 2022.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 19,48 điểm (1,31%) lên 1.505 điểm. HNX-Index tăng 7,06 điểm (1,6%) lên 449,31 điểm. UPCoM-Index tăng 1,39 điểm (1,24%) lên 113,19 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng vọt, thị trường ghi nhận phiên giao dịch tỷ đô. Tổng giá trị giao trên toàn thị trường đạt 36.200 tỷ đồng (1,59 tỷ USD). Tuy nhiên, trên sàn HoSE, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm nhẹ 0,67% và đạt 29.136 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trở lại khoảng gần 580 tỷ đồng, tập trung vào DGC, DCM, STB, HPG, KBC, NLG,…

MỚI - NÓNG