Không có tủ lạnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cái tủ lạnh không phải là văn minh, mà chỉ là một trong nhiều thứ tiện nghi của xã hội văn minh. Như chiếc rìu đá cầm tay được phát kiến trở thành công cụ lợi hại ở thời kỳ đồ đá. Nên câu chuyện đang gây xôn xao cõi mạng khi một vị giáo sư cho rằng người Việt từ chối dùng tủ lạnh ‘văn minh’ để được ‘hạnh phúc’ với những món đồ tươi sống cổ truyền mang ngay từ chợ vào bếp mà không sợ tẩm ướp hóa chất bảo quản, rất đáng bàn.

Xem kỹ toàn bộ Video podcast dài 1 giờ 25 phút ghi lại cuộc trò chuyện của GS người Pháp gốc Việt Phan Văn Trường bàn về chủ đề sự tự tin của người Việt vừa phát trên một nền tảng số, thấy thú vị và bổ ích. Từng là cố vấn Thương mại quốc tế của Chính phủ Pháp, được trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh, nhiều năm làm lãnh đạo doanh nghiệp quy mô toàn cầu, tham gia giảng dạy nhiều đại học danh tiếng, hiện là Chủ tịch danh dự CLB Khởi nghiệp Nông nghiệp Việt Nam với hơn 260 ngàn thành viên, hẳn không cần nói thêm về vị giáo sư này.

Tuy nhiên cuối cuộc trò chuyện, khi dùng cái tủ lạnh để ví dụ việc chọn lựa giữa ‘văn minh’ và ‘hạnh phúc’, thì GS Trường có vẻ đã khá vội vã. Tủ lạnh không phải là kẻ thù của những thức ăn tươi sống và có nguồn gốc sạch. Mà chính là cách quản lý xã hội ra sao, để đồ ăn thức uống sạch tự nhiên vẫn có thể được cất vào tủ lạnh. Con người không việc gì phải chọn lựa giữa ‘văn minh’ và ‘hạnh phúc’ theo cách như vậy, mà luôn cần và luôn phải được đáp ứng cả hai.

Ông đã rất đúng khi nhắn nhủ người Việt hãy tự tin với thước đo của chính mình, đừng chạy theo tiêu chuẩn của người khác, của dân tộc khác. Nhưng khi ông cho rằng “Tiêu chuẩn của chúng tôi là sống xuề xòa, vui vẻ, nhậu nhẹt từ 3 giờ chiều. Tiêu chuẩn của chúng tôi là nước nào mà 3 giờ chiều chưa nhậu là nước kém… Cái mà tôi muốn nói là đừng nhất thiết phải chọn tiêu chuẩn của những nước tự gọi là văn minh, hãy chọn tiêu chuẩn của những nước hạnh phúc” thì lại rất đáng nghĩ.

Thực ra trào lưu chống lại sự phát triển quá đà của xã hội văn minh hiện đại với công nghệ, vũ khí hủy diệt, cũng như tiện nghi và nhu cầu thái quá, hủy hoại môi trường mà đánh mất bản chất cũng như hạnh phúc nguyên thủy của con người đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Như Jean-Jacques Rousseau, nhà triết học Khai sáng người Pháp từ thế kỷ 18 đã kêu gọi con người “về với tự nhiên”, và “sự toàn vẹn của con người chỉ có thể đạt được bằng cách phục hồi hoặc gần đúng với một sự thống nhất tự nhiên tiền định hoặc nguyên thủy”.

Có thể vị giáo sư nổi tiếng đang theo đuổi tư tưởng hạnh phúc là được sống một cách tự nhiên theo ý mình. Tôi và chắc là nhiều người khác nữa ủng hộ ông, và cũng khao khát về điều này. Nhưng nếu có cách gì để 3 giờ chiều đã cởi trần ra nhậu mà vẫn đạt được 100% hiệu suất, hiệu quả công việc, và đất nước vẫn phát triển hùng cường, thì ai dám cãi đó không phải là hạnh phúc thực sự!

Tôi nghĩ những câu chuyện và những cuốn sách của GS Phan Văn Trường thực sự bổ ích. Không vì một đoạn cắt cúp lan truyền trên mạng và những gì ông có lẽ chưa thể lý giải hết trong một cuộc trò chuyện ngắn, để ném đá dữ dội như nhiều người đang làm.

MỚI - NÓNG
Quang Định (đầu, trái hàng 2) trong chuyến xuyên Việt cuối cùng tháng 3/2024
Đành định phận Quang Định ơi!
TP - Gần nửa thế kỷ tòng sự ở báo Tiền Phong cả thời gian chính thức lẫn hợp đồng tôi được “hầu” các đời Tổng Biên tập, Đinh Văn Nam, Dương Xuân Nam, Lê Xuân Sơn, Phùng Công Sưởng. Và được “hạ” các lái xe Võ Trường Kế (Tiền Phong có anh Võ Trường/ Kế ta xe chạy trên đường băng băng) Đỗ Hà, Hoàng Rự, Quang Định. Nói “hạ” là thường phải để ý phải cẩn trọng tóm lại phải… hạ giọng kẻo các bố tài cáu lên hoặc khó chịu ngầm thì phiền nhỡ việc mình như chơi!