Bình Dương, Khánh Hòa xin thử nghiệm vắc-xin nội

0:00 / 0:00
0:00
Xem xét mẫu xét nghiệm sinh kháng thể của các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax. Ảnh: VGP
Xem xét mẫu xét nghiệm sinh kháng thể của các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax. Ảnh: VGP
TP - Bình Dương, Khánh Hòa là 2 địa phương xin tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax phòng COVID-19 của Công ty Cổ phần Nanogen. Bộ Y tế ủng hộ các tỉnh đăng ký tiêm thử nghiệm lâm sàng Nano Covax, song cần đảm bảo khoa học, đúng quy trình.

Hiện tại, Nanocovax là ứng viên vắc-xin COVID-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng pha 3a và 3b trên 13.000 tình nguyện viên. Trong đó đã có hơn 4.000 tình nguyện viên được tiêm đủ 2 mũi tại Học viện Quân Y, tỉnh Hưng Yên và tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Tỉnh Bình Dương xin tiêm thử nghiệm Nano Covax cho 200.000 người tại các doanh nghiệp, chiếm khoảng 16% trong tổng số hơn 1,2 triệu người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh.

Lý do Bình Dương đưa ra là tình hình dịch tại tỉnh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc đã vượt 18.000 và những ngày tới sẽ tiếp tục tăng. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Bộ Y tế sớm cho phép tiêm thí điểm Nano Covax để “góp phần đưa Nano Covax sớm đến tay người dân”.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nói rằng, Bộ Y tế rất ủng hộ các tỉnh tham gia thử nghiệm lâm sàng Nano Covax để mở rộng phạm vi nghiên cứu nhằm đánh giá sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin.

“Tuy nhiên, việc đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng cần phải đúng quy trình nghiên cứu, trước tiên thông qua Hội đồng đạo đức, sau đó sẽ tổ chức đánh giá theo đúng các tiêu chí trong đề cương. Đặc biệt, trong quá trình thử nghiệm, phải đảm bảo thu thập, quản lý dữ liệu một cách khoa học, tin cậy và chính xác”, ông Thuấn nhấn mạnh.

Để quản lý được số mẫu thử nghiệm lớn, rất cần sự phối hợp của Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế tuyệt đối không ủng hộ việc mua bán, mượn danh thử nghiệm lâm sàng để tiêm vắc-xin cho người dân khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.

Sáng 2/8, trong buổi làm việc với Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc-xin phòng COVID-19, phía Nanogen kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức xem xét triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c trên 500.000-1 triệu người.

Bộ Y tế yêu cầu nhà sản xuất hoàn thiện bộ dữ liệu hiện có, gửi Bộ trước ngày 15/8 để Bộ gửi Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét, đánh giá.

Tốt nhất tiêm 2 mũi vắc-xin cùng loại

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tiêm 2 liều vắc-xin phòng COVID-19.

Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vắc-xin AstraZeneca và mũi 2 là vắc-xin Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt.

Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng. Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc-xin từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vắc-xin của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó.

“Trong trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc-xin Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý (khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần)”, văn bản của Bộ Y tế nêu rõ.

Bộ Y tế cũng yêu cầu không sử dụng vắc-xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc-xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca.

Bộ Y tế nêu rõ, những người đã tiêm vắc-xin do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vắc-xin cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

MỚI - NÓNG