Biển đảo là vấn đề trong máu

“Bóng ma trên biển” của Đặng Xuân Hòa
“Bóng ma trên biển” của Đặng Xuân Hòa
TP - “Biển đảo là vấn đề trong máu, thường xuyên. Biển đảo qua con mắt nghệ sĩ tạo hình không giống qua con mắt báo chí, điện ảnh. Nó sâu sắc, đi vào vấn đề, thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau”, họa sĩ Trần Khánh Chương nói.

Triển lãm “Chủ quyền biển đảo của Việt Nam khai mạc sáng 18/6, tại Hà Nội kéo dài hết 24/6.

Trước thắc mắc triển lãm quá gấp gáp, nặng tính thời sự, liệu có đảm bảo chất lượng nghệ thuật? Họa sĩ Trần Khánh Chương nói rằng, dù mang tính thời sự cao nhưng thực tế nghệ sĩ tạo hình Việt Nam vẽ biển đảo từ rất lâu rồi.

Tự nguyện

“Triển lãm này đúng tinh thần tự nguyện. Cục không hề có kinh phí. Có một tinh thần rất rõ về ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nói. Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng kể, ngày nọ nhận được lời mời tham gia triển lãm với điều kiện không có xe đưa đón tác phẩm như mọi bận. Bức sơn dầu Trời yên biển lặng của anh đang vẽ dở, cùng chủ đề biển đảo nên anh gấp rút hoàn thiện.

Nhà triển lãm 29 Hàng Bài quy tụ 55 tác phẩm tranh đủ chất liệu, tới điêu khắc. BTC cho biết, trong vòng 20 ngày vận động, BTC nhận 60 tác phẩm. “Trong số tác phẩm không thể có mặt, có tác phẩm rất hay về ý tưởng, nghệ thuật nhưng vấn đề đặt ra gay gắt, quyết liệt quá. Chúng ta đang bày tỏ quan điểm giải quyết bằng ngoại giao, hòa bình nên chưa phù hợp trưng bày thời điểm này. Thông qua tác phẩm hội họa và điêu khắc của triển lãm, chúng tôi muốn phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc cũng như khẳng định tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của nhân dân Việt Nam”, ông Vi Kiến Thành nói.

Tranh còn ướt

Trong số 55 tác phẩm, dễ nhận thấy tác phẩm ấn tượng nhất lại mang tính thời sự rất cao: Bóng ma trên biển của họa sĩ Đặng Xuân Hòa, tạo nên từ báo in, màu nước. Với Cá lớn của Đinh Quân, là hình ảnh một con cá mập hung dữ. Bóng đen trên biển Đông của Nguyễn Nghĩa Phương tạo hình đường lưỡi bò đầy tham vọng.

“Một số tác phẩm đề cập trực diện vấn đề nóng hổi ở biển Đông, có ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình rất mạnh. Số tác phẩm này gây ấn tượng mạnh trong giới mỹ thuật, lại chuyển tải được nội dung một cách sâu sắc và ý nghĩa Ađến người xem. Việc tác giả tìm được ngôn ngữ phù hợp với thời sự là không dễ đối với mỹ thuật”.

 Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm

 “Nhận lời mời của anh Thành, giới họa sĩ chúng tôi rất mừng. Anh em muốn có tiếng nói đóng góp, thể hiện thái độ. Bức Cá lớn của Đinh Quân khi mang tới đây còn ướt, phải ghi rõ “tranh còn ướt cẩn thận dính ra tay”. Tranh của Hòa thì nhanh trí, thông minh, ấn tượng. Cập nhật thời sự trên báo chí làm nền của mình để sắp xếp hết sức có nghệ thuật. Tranh rất đẹp và có sự nhạy bén về chính trị cũng như thông minh về nghề nghiệp”, họa sĩ Thành Chương kể.

Ông nói thêm, họa sĩ Lê Văn Sửu cũng khuân tranh đến triển lãm cho kịp ngày khi còn ướt. Họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương mới đi Trường Sa về, khi BTC bắt đầu treo lên tường triển lãm rồi, vẫn gọi điện xin chờ vì “sắp xong rồi”.

Vẽ ở Trường Sa

Lũy thép, chất liệu acrylic khổ 130x180 được tác giả tiết lộ vẽ ngay ở Trường Sa. Ngoài Lũy thép, họa sĩ Hương còn hai ghi chép khác ra đời trong chuyến đi Trường Sa vừa rồi, nhưng không tiện trưng  bày.

“Khi ra biển đảo, dự lễ chào cờ hay lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh, tôi rất xúc động. Đứng ở đảo Trường Sa Lớn, tôi có linh cảm đây là Bạch Đằng của ông cha mình. Nó mang lại sự hãnh diện, lòng tự hào, sự quyết tâm, cảm xúc. Bất kỳ ai đứng trước biển, đứng trên đảo thấy những cọc này đều có cảm giác ấy”, họa sĩ kể.

Thời gian giao lưu với chiến sĩ, đồng bào trên đảo rất hạn hẹp. Phần lớn thời gian, chị dành để ký họa tặng chiến sĩ hải đảo. “Sóng lớn mưa nhiều, tôi cũng say sóng ghê lắm. Bật dậy được lúc nào là vẽ lúc ấy. Khi lên tàu xin được một chỗ khá riêng tư, căng trên khung có sẵn ở trên tàu để vẽ, rồi cuộn lại. Về đất liền chỉ còn hoàn thiện một chút nữa thôi”, chị nói.

Tác giả Lũy thép kể, sau hai ngày đêm tàu cập cảng Trường Sa Lớn, chị có sự xúc động khác lạ, không nghĩ đất nước mình đẹp thế. Sau hành trình vất vả, sau cảm giác về vẻ đẹp của biển, chỉ còn lại sự khâm phục những con người gan dạ, dũng cảm nơi đầu sóng ngọn gió. “Ở nhà mọi người hỏi ra Trường Sa thế nào, một số cái có thể nói, một số không thể nói được bởi vì không giống đất liền”, chị nói.

MỚI - NÓNG