Tương lai nước Pháp sau cuộc bầu cử tổng thống kỳ lạ

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
TPO - Kết quả vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã phản ánh rõ nét sự bất mãn của các cử tri với tình hình hiện tại, khi lần đầu tiên cả hai chính đảng lớn đều thất bại nặng nề.

Giới phân tích quốc tế trong 24 giờ qua đã đưa ra nhiều đánh giá khác nhau về khả năng giành chiến thắng của ông Macron và bà Le Pen trong cuộc đối đầu trực tiếp ở vòng 2, cũng như tương lai của nước Pháp sau sự kiện lịch sử này. 

Hai nước Pháp đối lập

Việc không có một đảng chính thống nào từng lãnh đạo Pháp trong vài thập niên qua giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng 1 đã đánh dấu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trên chính trường nước này.

Như vậy bối cảnh chính trị nước Pháp đã thay đổi và tương lai mối quan hệ của Pháp với Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đứng trước câu hỏi lớn.

Cuộc đối đầu giữa ông Macron và bà Le Pen là cuộc đối đầu giữa hai phiên bản hoàn toàn đối lập của nước Pháp trong tương lai, với một bên là ý tưởng lạc quan của ông Macron về một nước Pháp bao dung, một châu Âu thống nhất cùng biên giới mở, với một bên là cương lĩnh “u ám” hơn của bà Le Pen, với những mục tiêu hướng nội, đề cao “nước Pháp trên hết”, kêu gọi đóng cửa biên giới, siết chặt an ninh, hạn chế nhập cư và hạn chế dần việc sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro để quay trở lại dùng đồng franc Pháp.

Có thể nói, việc bà Le Pen ủng hộ việc đưa nước Pháp rời khỏi EU trong khi ông Macron muốn liên minh này hợp tác sâu rộng hơn nữa sẽ khiến cuộc đối đầu ở vòng 2 gián tiếp trở thành một cuộc trưng cầu ý dân về mong muốn của cử tri Pháp đối với tư cách thành viên EU. 

Lựa chọn nào cho nước Pháp? 

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron, 39 tuổi, tiến vào cuộc bầu cử vòng 2 nhờ một chiến dịch vận động tranh cử dựa vào sự ủng hộ của các cử tri bình dân mà không có bất kỳ sự ủng hộ của bất kỳ chính đảng lớn nào.

Với 4 năm kinh nghiệm chính trị, ông Macron đại diện cho một sự thay đổi về thế hệ và những chia rẽ giữa phe cánh tả-cánh hữu vốn tồn tại trên chính trường Pháp trong suốt hơn một nửa thế kỷ qua.

Tương lai nước Pháp sau cuộc bầu cử tổng thống kỳ lạ ảnh 1
Bà Le Pen và ông Macron sẽ đối đầu trực tiếp trong cuộc bầu cử Tổng thống ở vòng 2. Ảnh: AFP

Ông Macron là ứng cử viên duy nhất trong số 4 người về nhất cuộc chạy đua ngày 23/4 ủng hộ sự hội nhập châu Âu sâu rộng hơn nữa. Trong khi đó bà Le Pen người về thứ 2 lại kịch liệt chỉ trích sự hội nhập này, công khai nhắc tới kế hoạch đưa Pháp rời EU.

Tuy nhiên, nếu trở thành Tổng thống Pháp, ông Macron sẽ đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn. Gần một nửa cử tri Pháp bỏ phiếu ủng hộ cho các ứng cử viên thuộc phe cực hữu hoặc cực tả.

Những người này khó có thể chấp nhận các tư tưởng dân chủ tự do của ông Macron, và điều này vô hình trung khiến nước Pháp trở nên vô cùng chia rẽ. 

Ngoài ra, ngay sau khi có kết quả sơ bộ, các “đối thủ” của ông Marco tại vòng một đã nhanh chóng kêu gọi các cử tri dồn phiếu ủng hộ ông Macron để ngăn bà Le Pen giành chiến thắng trong vòng 2 cuộc bầu cử, đồng thời nhấn mạnh các chính sách dân tộc chủ nghĩa, phản đối EU và nhập cư của nhà lãnh đạo cực hữu này sẽ là một thảm họa cho nước Pháp.

Mặc dù Hiến pháp quy định quyền lực tập trung trong tay tổng thống, song nếu chiến thắng ở vòng 2, cả ông Macron và bà Le Pen đều sẽ cần sự ủng hộ của các nhà lập pháp tại Quốc hội để thúc đẩy các dự luật và hiện thực hóa các mục tiêu của mình.

Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6 tới giờ được xem là sự kiện vô cùng quan trọng, bởi nó sẽ trả lời xem liệu bà Le Pen hay ông Macron với tư tưởng ôn hòa có đủ sức lôi kéo được số nghị sỹ cần thiết để thúc đẩy các mục tiêu của mình hay không.

Có thể thấy rằng, cho dù ông Marco hay bà Le Pen giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 7/5 tới, họ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cầm quyền bởi họ không có phe đa số ở Quốc hội, và ở Pháp thế đa số là nhân tố quan trọng đảm bảo quyền lực cho chính quyền. 

MỚI - NÓNG