Trông người để ngẫm...

Trông người để ngẫm...
TP - Xin dẫn ra đây hai câu chuyện ở Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản về đường đi của hệ thống đại học và trường nghề.

Đài Loan hiện có 160 trường đại học trong khi dân số chỉ 23 triệu người.

Trong khi đó, tỷ lệ sinh tại đây rất thấp, chỉ 1,3 trẻ/phụ nữ. Đã có nhiều trường trung học không tuyển đủ học sinh so với cơ sở vật chất. Do vậy, ngành giáo dục Đài Loan muốn cắt giảm số lượng trường đại học xuống còn 1/3 so với hiện tại trong những năm tới.

Trong khi thừa trường đại học, Đài Loan lại quá thiếu trường dạy nghề. Những năm đầu thập niên 2000, người ta đua nhau nâng cấp các trường nghề thành trường đại học. Kết quả là sau đó ai cũng học đại học, ít người ham vào trường nghề.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ có 25% học sinh trung học vào đại học. Đa số vào trường nghề và vào nhà máy làm việc. Đây là lực lượng chủ chốt giúp Đài Loan trở thành ông lớn trong ngành chế tạo cơ khí chính xác, một công xưởng chuyên sản xuất máy cái cho công nghiệp thế giới.

Nhưng nay tỷ lệ vào đại học của Đài Loan là 95% và hậu quả là các công ty kỹ thuật dù trả lương cao cũng không tuyển đủ nhân lực. Công nhân lành nghề được trả thấp nhất là 1.000USD/ tháng, bậc cao hơn có thể nhận gấp hai, gấp ba lần nhưng bói không ra người. Nhiều ngành sản xuất của Đài Loan đành phải chuyển bớt dây chuyền sản xuất sang đại lục để tận dụng lao động.

Đó là ở Đài Loan. Còn ở Nhật Bản, câu chuyện dư thừa đại học đã nóng lên kể từ vài năm trước. Tính đến tháng 5/2012, nước này có 783 trường đại học, so với 523 trường thời điểm năm 1992.

Có thêm nhiều trường đại học kéo theo sự gia tăng tỷ lệ người học đại học, từ 26% năm 1992 lên 51% vào năm 2010. Trong khi đó, số người ở độ tuổi đại học (bắt đầu từ năm 18 tuổi) giảm 40%, từ 2,05 triệu của năm 1992 xuống 1,22 triệu người. Và dễ hiểu là các trường đại học ế ẩm. Trong số 577 trường đại học tư thục, 46% không tuyển được đủ chỉ tiêu, 18 trường thậm chí không đủ 50%.

Một số trường để tồn tại đã chấp nhận vơ vét đủ kiểu để có học sinh, bất kể họ có đủ năng lực hay không. Một tác giả chuyên viết về giáo dục của Nhật, nhà văn Yamauchi đã phải thốt lên: “có những sinh viên đại học không biết làm tính nhân”.

Sự bùng nổ đại học một phần bắt nguồn từ những nới lỏng điều kiện thành lập trường, bắt đầu từ năm 2003. Ví dụ, chính phủ Nhật bãi bỏ yêu cầu trường đại học bắt buộc phải có khoa ngoại ngữ. Chuyên gia cũng nói chính quyền các địa phương, với mục đích giữ lại nhân tài của tỉnh, đã tìm cách mở trường đại học tại địa phương. Nhưng trong thực tế, chẳng sinh viên có năng lực nào lại chịu vào học những trường này vì chất lượng đào tạo thấp kém.

Chính vì thế, ngay từ năm 2012, ngành giáo dục Nhật Bản đã có chủ trương hạn chế mở mới các trường và giải quyết đống bùng nhùng hiện tại qua việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học.

Những gì đã diễn ra ở Nhật Bản, Đài Loan như bản sao đi trước của Việt Nam, khi các trường đại học nở rộ khắp nơi, trường nghề teo tóp, chất lượng giáo dục đại học ngày càng thấp. Công nhân lĩnh lương bèo bọt một phần vì đa số là lao động giản đơn, năng suất lao động thấp, cử nhân ra trường thất nghiệp vì không đáp ứng yêu cầu thực tế.

Hiện trạng này biết đâu là cơ hội cho ngành giáo dục sớm có chiến lược quy hoạch hệ thống trường đại học thiết thực, hiệu quả. 

MỚI - NÓNG