Xin ông nhận định về những điều được và chưa được của kỳ thi này?
Xét trong khuôn khổ tổ chức kỳ thi vừa qua có thể đánh giá như sau: Giai đoạn đầu, khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi là tương đối thành công vì đã có một kỳ thi nghiêm túc, dù mức độ nghiêm túc không ngang bằng nhau. Kỳ thi diễn ra an toàn, không có vấn đề gì về bảo mật đề thi.
“Tôi không tán thành cách đổi mới kỳ thi theo cách chúng ta đã làm vừa qua. Đáng ra Bộ GD&ĐT cần phải tôn trọng sự tự chủ của cơ sở và chỉ làm đúng vai trò của mình là quản lý nhà nước. Cấp trung ương, lo việc lớn, không nên sa đà vào chuyện thi cử quanh năm, khiến cho việc tuyển sinh trở nên vỡ trận như năm nay”.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD TTN&NĐ của Quốc hội
Tuy nhiên, đến giai đoạn 2, tuyển sinh thì đã trở nên… vỡ trận. Cách tổ chức xét tuyển như hiện nay đã tạo ra những khó khăn không đáng có làm cho tất cả thí sinh, phụ huynh và nhà trường, thậm chí Bộ cũng nháo nhào và căng thẳng suốt. Kể cả các trường ĐH lớn cũng không được yên, vì cách đăng ký nguyện vọng (NV) cách xử lý số liệu dẫn đến nhà trường không được chủ động. Bộ nắm cả khiến cho trường lúng túng. Ví dụ, ĐH Huế là một trường lớn có uy tín, có truyền thống cũng chỉ được Bộ cho cập nhật kết quả tuyển sinh ngày 13/8; trong khi thí sinh chầu chực từng ngày từng giờ mà 18/8 mới biết kết quả ngày 13/8 thì làm sao có thể phân tích, suy xét chính xác được?
Thí sinh đạt điểm cao thường phút cuối mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT), làm thay đổi thông số tuyển sinh, làm cho các trường khổ vì phục vụ cho thí sinh đến rút - nộp hồ sơ. Có những trường lớn ở Hà Nội có năng lực về CNTT cũng còn không thể đáp ứng yêu rút hồ sơ của thí sinh ngay được vì còn phải nhập dữ liệu, phải hẹn vào buổi khác hoặc 2-3 ngày sau.
Với thí sinh và phụ huynh thì khỏi phải nói sự vất vả, họ phải dồn về khu vực các trường ĐH lớn để theo dõi thông tin. Có người ví tuyển sinh như chơi chứng khoán, có thể một lúc mất hết trắng tay! Mục đích tổ chức một kỳ thi chung để giảm bớt cồng kềnh, giảm tốn kém đã không làm được điều mình mong muốn mà chỉ làm cho phụ huynh, học sinh căng thẳng hơn. Bộ đưa ra các cách giải quyết phương án này, phương án khác nhưng toàn là giải pháp tình thế mà cũng không giải quyết được vấn đề.
GS Nguyễn Minh Thuyết.
Không ít thí sinh và phụ huynh phàn nàn về sự không công bằng của kỳ thi, ông có nghĩ thế không?
Sự mất công bằng thứ nhất là chất lượng coi thi, chấm thi như tôi đã nói ở trên. Mọi năm, thi ở trường nào, trường đó phụ trách, nay các cụm thi rải đều trong toàn quốc, coi thi chấm thi với chất lượng khác nhau: coi dễ, coi khó, chấm chặt, chấm lỏng khác nhau…
Dư luận lo ngại và đặt câu hỏi rằng, liệu có xảy ra việc một số trường không minh bạch trong xét tuyển khiến thí sinh và người nhà càng thêm vất vả vì thiếu thông tin để rút-nộp hồ sơ đúng lúc. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Các trường muốn công bố điểm cũng không có dữ liệu vì dữ liệu Bộ nắm, sát giờ khóa sổ nhiều trường không biết thông tin chính xác để xác định điểm chuẩn tạm thời. Thêm vào đó, thí sinh điểm cao “găm” giấy đến phút chót mới nộp… khiến cho tình hình thay đổi khôn lường. Thiếu thông tin cũng là một điều dễ làm nảy sinh tiêu cực. Ví dụ như người quen lấy được số liệu sẽ có thông tin chính xác, không quen thì hãy đợi đấy!
Ngoài ra Bộ không cho các cụm thi công bố kết quả thi của mình để xã hội có thể giám sát. Số liệu mang hết về Bộ, không thể biết có công bằng, nghiêm túc hay không. Thí sinh nào biết điểm thí sinh đó, không biết tình hình chung, hết sức mơ hồ, càng khó khăn cho việc so sánh và tham gia xét tuyển. Hệ quả của việc không minh bạch là làm cho phụ huynh, học sinh nháo nhào.
Đợt 1 kết thúc rồi. Đợt 2, 3, 4 tình hình sẽ ra sao, thưa ông?
Mỗi thí sinh có 12 NV thì việc chạy đua còn căng thẳng nữa và có thể không biết đường nào mà lần vì ảo rất nhiều. Bộ và các trường nên họp với nhau để bàn thảo xem bao nhiêu điểm thì vào trường nào không nên để thí sinh chạy nháo nhào như hiện nay. Thí sinh nên bình tĩnh và chờ đợi Bộ sẽ tìm ra cách giải quyết có lợi nhất cho thí sinh.
Dư luận cho rằng, còn có lý do từ phần mềm của Bộ?
Phần mềm cũng có những trục trặc không vận hành được như mong muốn. Lúc thử nghiệm chắc Bộ cũng vận hành thử, nhưng vận hành trên một số lượng nhỏ, khi lượng thí sinh cực lớn và lượng truy cập lớn thì trở nên không thích hợp nữa. Và như tôi được biết, cục CNTT là lực lượng mạnh nhất về CNTT ở Bộ, có thể dùng thuật toán để giải quyết vấn đề thì lại đứng ngoài việc này.
Theo ông sang năm ngành GD&ĐT nên vận hành thi cử thế nào để tạo thuận tiện thực sự cho thí sinh và phụ huynh?
Việc tốt nghiệp THPT nên được giao cho các Sở GD&ĐT địa phương tổ chức theo tinh thần nghiêm túc, nhẹ nhàng, phù hợp với trình độ, hoàn cảnh của địa phương. Tuyển sinh ĐH, CĐ nên giao cho các trường quyết định theo nhiều phương án khác nhau: Những trường lớn tổ chức thi riêng; trường nhỏ liên kết với các trường ĐH, CĐ khác tổ chức 1 cụm thi; có những trường chỉ xét tuyển trên kết quả học THPT vì có nhiều trường mời mà thí sinh cũng không vào thì bắt người ta thi làm gì!
Cảm ơn ông.