Thủ phạm nhí run sợ
Tại Ea H’leo, huyện cửa ngõ phía bắc tỉnh Đắk Lắk, cách Buôn Ma Thuột 100km, nhờ sự hỗ trợ của công an địa bàn, nhóm phóng viên chúng tôi mới tiếp cận được với nhóm thiếu niên thủ phạm vụ ném đá vỡ kính xe khách tối 24/9/2014 tại km 95 quốc lộ 14, khiến hành khách Trương Triệu Lương (phường 3, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) bị đá bay vào mặt, vỡ nhãn cầu, phải múc bỏ mắt trái, gãy sống mũi.
Nhóm thiếu niên gồm Lê Văn Thạnh và Hồ Viết Cường (15 tuổi), Lê Viễn Phương (13 tuổi), đều trú tại thôn 7, xã Ea H’leo bị triệu tập về Công an huyện để gặp phóng viên, cúi gằm mặt, sợ sệt kể: Tối đó, khoảng 20h, chúng cháu đứng chơi ở đống đá bên lề đường đoạn Km 623+ 350 thuộc thôn 7, xã Ea H’leo.
Khi thấy có xe khách của nhà xe cô Hai, chạy từ Gia Lai về Đắk Lắk, cả 4 đứa cùng nhặt đá ném vào kính bên hông trái xe. Khoảng 2 phút sau, đến lượt xe khách giường nằm 2 tầng của nhà xe Việt Tân Phát chạy qua bị Tuấn và Phương tiếp tục ném đá. Ném đã tay rồi cả bọn chạy về nhà.
“Ở cổng thôn sẵn có đống đá lớn. Thấy nhiều xe qua, bọn cháu rủ nhau ném đá cho vui. Không nghĩ hậu quả tai hại như vậy” - Thạnh nấc nghẹn. “Mỗi lần ném đá vào xe khách xong, bọn cháu lại trốn, nên không biết xe hư hỏng thế nào, có ai bị thương không” - Phương lí nhí.
“Chiều đó cháu đi làm rẫy về thì Thạnh và Phương rủ tối ra quốc lộ ném đá xe khách, ham vui nên cháu đồng ý. Chuyện vỡ lở, bố la mắng cháu dữ lắm. Thực sự cháu rất hối hận!”. Gặp phóng viên trong màu áo tù ở trại tạm giam, Bùi Văn Tuấn 16 tuổi vừa bị khởi tố vì đã đủ tuổi chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật, bật khóc.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó giám đốc Công ty Bảo Việt Đắk Lắk cho biết: “Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014, Cty đã phải trả gần 700 triệu đồng chi phí làm lại kính cho 109 vụ xe bị ném đá cho các nhà xe có tham gia bảo hiểm tại Bảo Việt Đắk Lắk. Trong đó phần lớn các vụ vỡ kính khi xe lưu thông trên quốc lộ 14 chủ yếu xảy ra tại các địa bàn thuộc huyện Ea H’leo, huyện M’đrắk, huyện Krông Buk, thị xã Buôn Hồ...
“Muối mặt với hàng xóm”
Trong hanh hao nắng quái, chúng tôi đến thôn 7, xã Ea H’Leo, nơi có đống đá đầu ngõ mà 4 đứa trẻ quậy bốc ném “cho vui”, không ngờ đổ máu hành khách.
Trước khoảng sân rộng, cha mẹ của Bùi Văn Tuấn ngồi nơi thềm, vẻ hốc hác hằn rõ trên khuôn mặt. Ông Huy bố của Tuấn vừa tròn tuổi 40 nhưng đôi mắt sâu hoắm nhìn già nua, bất lực. Hỏi về Tuấn, ông thở dài: “Nó học kém lắm, lớp 9 đã nghỉ ở nhà giúp bố mẹ làm rẫy. Thỉnh thoảng buổi tối đi chơi với mấy đứa trẻ con trong xóm, tám rưỡi về xem ti vi rồi đi ngủ. Từ khi nó bị bắt vợ chồng tôi suy sụp, không làm được gì, đêm nào cũng nghĩ đến con mà đau!”.
Bà Nguyên Thị Giao (mẹ cháu Cường) không giấu được vẻ mệt mỏi khi nghe chúng tôi đề cập đến vụ việc. Bà nói: “Cường là con út trong gia đình. Nó được bố mẹ và 3 anh thương chiều, công việc nương rẫy không phải làm, chỉ đi học và lo việc vặt trong nhà, nhưng hết lớp 8 bị ở lại lớp nên nghỉ. Gia đình tôi muối mặt với thôn xóm vì lỗi chẳng biết dạy con…”.
Ngôi nhà gỗ nhỏ của mẹ con Phương đóng cửa im ỉm. Hàng xóm kể mẹ của Phương hằng ngày đi bán bánh mì dạo trước cổng trường. Phương học lớp 8 cứ 1 buổi đi học, 1 buổi phụ mẹ bán bánh mì. Thạnh là bạn hàng xóm, đang học lớp 9, thỉnh thoảng đi rẫy.
Ông Mai Văn Thắng, trưởng công an xã Ea H’Leo cho biết: “Địa bàn xã rộng và trải dài theo quốc lộ, thành phần dân tộc đa dạng, tập quán sinh hoạt khác nhau nên cũng khó cho việc quản lý. Xã đã thống nhất biện pháp tuyên truyền giáo dục trên hệ thống truyền thanh, kết hợp gia đình và nhà trường tăng cường kiểm soát và răn đe các cháu”.
Anh Trần Xuân Thắng, công an viên thôn 7 chia sẻ “Bố mẹ của 4 cháu đã thu xếp xuống TP Hồ Chí Minh thăm ông Lương nhưng không gặp được. Thật may là qua điện thoại, con gái ông Lương thông cảm bảo: “Các bác hoàn cảnh gia đình đều khó khăn vất vả, cứ ở trên đó mà lo rẫy nương. Ba tôi không kiện tụng gì đâu, vì có kiện cũng chẳng lấy lại được con mắt hỏng. Chỉ cần các bác lo uốn nắn, dạy dỗ các cháu”! Suy nghĩ đầy tình khoan dung của cha con ông Lương đã phần nào giúp họ đỡ dằn vặt, day dứt.
Đối tượng Tuấn tại trại giam
“Đầu năm 2014 đến nay đã có 6 vụ ném đá xe khách xảy ra ở các xã Ea H’leo, xã Ea Nam, Ea Ral, thị trấn Ea Đrăng được điều tra, xử lý. Riêng vụ ném đá tối 24/9/2014 gây thương tích nặng đối với ông Lương, Công an huyện Ea H’Leo đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Bùi Văn Tuấn về 2 tội “ Cố ý gây thương tích” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Ba đối tượng còn lại sẽ được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó tới nay xe khách trên quốc lộ đoạn qua huyện này đã tạm yên ổn” - ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng công an huyện Ea H’Leo khẳng định.
Phải xử lý đồng bộ, nghiêm minh!
Hơn 1 năm qua, quốc lộ 14 - đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh Đông Nam bộ bỗng nguy hiểm hơn bao giờ hết, cả vì mặt đường nát lẫn nạn ném đá khiến nhà xe lẫn hành khách hoang mang.
Theo tài xế Đoàn Năm - lái xe Ngọc Thông chạy tuyến Buôn Ma Thuột- Huế: “Ban đêm, chạy xe tuyến QL 14 các lái xe luôn trong tình trạng bất an, từ 20 đến 23 giờ là thời điểm xe khách thường xuyên bị ném đá. Không chỉ bị ném ở chỗ vắng, mà qua khu dân cư xe khách vẫn bị ném đá như thường.
Ông Đoàn Điểm - Chủ nhà xe Ngọc Thông bức xúc: Xe chúng tôi bị ném đá liên tục, trung bình 2 chuyến thì xe bị ném đá một lần nhưng không làm gì được. Xe đang lưu thông tốc độ cao mà bị ném trúng vào vị trí người lái xe thì hậu quả khôn lường. Với hành vi này phạt hành chính thôi chưa đủ, cần phải xử mạnh tay hơn.
Ông Nguyễn Hữu Quế - Phó GĐ Sở GTVT Gia Lai cho rằng: Hành vi ném đá trên tuyến QL 14 xảy ra trong thời gian qua chỉ là tự phát chứ không phải phá hoại có tổ chức. Do đặc điểm QL 14 hẹp, chỉ có 2 làn đường, ban đêm thanh niên ở nông thôn thường không có chỗ chơi thường tụ tập ven đường. Mỗi khi hai xe tránh nhau lấn vào lề lại nảy sinh chuyện ném đá.
Một số khác uống rượu say thách nhau ném đá. Cũng không loại trừ khả năng ai đó hiềm khích với nhà xe nên ném đá trả thù. Sở GTVT đã nhắc lái xe chủ động phòng ngừa, nếu phát hiện thì báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý.
Theo ông Phạm Hiếu Trình – Chánh VP Ban ATGT tỉnh Gia Lai: Trước tình trạng xe khách bị ném đá, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo xử lý quyết liệt, ra 3 công văn đề nghị các cơ quan liên quan vào cuộc, khắc phục chấm dứt để đảm bảo ATGT.
Mới đây, Ban ATGT tỉnh cũng đã có tham mưu gửi UBND tỉnh, đề xuất: “Nếu địa phương nào còn xảy ra tình trạng trên, không có biện pháp xử lý dứt điểm thì Chủ tịch UBND và Trưởng Công an huyện phải chịu trách nhiệm, kiểm điểm trước UBND và Công an tỉnh”. Đồng thời đề nghị UBMTTQ VN tỉnh và các đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành giao thông.