Thời gian qua, người dân tại tỉnh Bình Dương phản ánh, địa phương thành lập mô hình Đội CĐXLSCGT với số lượng lớn, tốn nhiều ngân sách song chưa thực hiện được như kỳ vọng.
Theo người dân, khi xảy ra tai nạn và các điểm xảy ra ùn tắc, sự xuất hiện của lực lượng này không kịp thời và chỉ thấy các lực lượng như trước đây gồm CSGT, dân phòng, dân quân. Người dân cho rằng, hầu hết lực lượng tham gia Đội CĐXLSCGT chủ yếu nguồn tại chỗ, bao gồm dân phòng, dân quân... do đó chưa phát huy tác dụng như mong muốn.
Ngày 24/4, trả lời báo Tiền Phong liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Dựt – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn diễn biến khá phức tạp, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên biên chế lực lượng CSGT toàn tỉnh còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong giai đoạn mới.
Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp các sở, ban, ngành đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó có giải pháp xây dựng Đề án thành lập lực lượng CĐXLSCGT để đảm bảo thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư và hậu cần tại chỗ) trong việc giải quyết kịp thời các vụ việc, xử lý sự cố giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông tại Bình Dương được thành lập từ năm 2021. |
Theo đại tá Dựt, qua 3 năm triển khai thực hiện, lực lượng CĐXLSCGT đã phát huy tinh thần tích cực, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng CSGT ứng cứu hơn 210 trường hợp sự cố giao thông; tham gia bảo vệ hiện trường hơn 1.400 vụ tai nạn giao thông; cung cấp hơn 3.100 tin báo về vi phạm giao thông và hơn 150 tin báo về tai nạn giao thông; cung cấp hơn 330 tin về hạ tầng giao thông bị hư hỏng; ứng trực xuyên suốt để điều tiết giao thông vào giờ cao điểm, góp phần giải quyết hơn 140 vụ ùn ứ giao thông,...
Bên cạnh đó, lực lượng CĐXLSCGT còn ứng trực, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng CSGT Công an các địa phương tăng cường công tác bảo đảm TTATGT và phòng, chống tội phạm trên tất cả các tuyến giao thông (qua 3 năm hoạt động, đã tham gia cùng lực lượng CSGT phát hiện 108 vụ vi phạm pháp luật).
Với những kết quả đạt được, lực lượng CĐXLSCGT đã được các cấp lãnh đạo ghi nhận thành tích và đề nghị UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng 12 lượt tập thể và 103 lượt cá nhân.
Theo đại tá Dựt, khi xảy ra các vụ TNGT, Công an các địa phương đều bố trí lực lượng Cơ động xử lý sự cố giao thông kịp thời phối hợp với CSGT và các lực lượng có liên quan để bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông, hỗ trợ cấp cứu người bị nạn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn còn nhầm lẫn thành viên CĐXLSCGT là Bảo vệ dân phố, Dân phòng vì kiểu dáng và màu trang phục gần giống nhau.
Lực lượng Cơ động xử lý sự cố giao thông cùng CSGT xử lý sự cố đổ dầu trên đường |
Thành viên Đội CĐXLSCGT được Công an cấp huyện tuyển dụng, do lãnh đạo Công an cấp huyện quản lý và phân công công tác (khác với lực lượng Bảo vệ Dân phố, Dân phòng, Dân quân do UBND cấp xã bố trí và quản lý).
Mọi hoạt động của lực lượng Cơ động xử lý sự cố giao thông đều có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của lãnh đạo Công an các cấp. Qua kiểm tra, trên địa bàn toàn tỉnh, không có bất kỳ trường hợp thành viên Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông đang là Dân phòng, Dân quân hoặc lực lượng khác hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương, mô hình lực lượng CĐXLSCGT mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong công tác bảo đảm TTATGT và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong các đợt cao điểm, nếu không có lực lượng này thì lực lượng CSGT toàn tỉnh khó có thể triển khai tốt các giải pháp kiềm chế TNGT và giảm ùn tắc giao thông.
Một người dân tình nguyện hỗ trợ điều tiết giao thông trên đường ở Bình Dương |
“Mong rằng các cấp, các ngành và nhân dân tiếp tục quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi đề động viên tinh thần cho lực lượng CĐXLSCGT hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo đảm TTATGT, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm ùn tắc giao thông trong thời gian tới” – lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương mong muốn.
Tính đến nay, 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thành lập được 9 đội Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông, với tổng số 220 thành viên.