Lý do dự án 2.000 tỉ đồng xây 6 cầu vượt ở Bình Dương đổi thành hầm chui

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với số vốn 2.000 tỷ đồng, ban đầu tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ xây dựng 6 cầu vượt thép trên tuyến Mỹ Phước Tân Vạn. Tuy nhiên tuyến đường này nhiều đoạn trùng dự án đường Vành đai 3 TPHCM nên Bình Dương chuyển sang làm hầm chui tại các nút giao.

Ngày 12/3, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương thuộc dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản hơn 1.300 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng của tỉnh hơn 700 tỷ đồng.

Dự án bao gồm một số hạng mục chính như 6 cầu vượt tại các nút giao lớn trên đường Mỹ Phước Tân Vạn (là tuyến đường chính nối Bình Dương – TPHCM, đi qua nhiều khu công nghiệp). Đồng thời, Dự án sẽ triển khai tuyến xe buýt nhanh kết nối giữa Thành phố mới Bình Dương và ga Suối Tiên, dài hơn 30km. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2019-2025.

Tuy nhiên, hiện nay tuyến Mỹ Phước Tân Vạn dài 15km của Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ vay vốn ODA trùng với dự án đường Vành đai 3 TPHCM.

Lý do dự án 2.000 tỉ đồng xây 6 cầu vượt ở Bình Dương đổi thành hầm chui ảnh 1

Đường Mỹ Phước Tân Vạn, đoạn trùng với đường Vành đai 3 TPHCM đang triển khai xây dựng

Trước đó khi dự án được duyệt, Chính phủ chưa có chủ trương làm đường Vành đai 3 TPHCM. Đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26km, trong đó có đoạn dài 15km trùng với đường Mỹ Phước Tân Vạn và trùng với dự án tuyến xe buýt nhanh. Theo chủ trương ban đầu, đoạn trùng với đường buýt nhanh này sẽ làm cầu vượt trên cao với 4 làn xe nối từ TPHCM theo đường Vành đai 3 về Bình Dương. Tuy nhiên, để dự án phát huy hiệu quả, Bình Dương điều chỉnh đoạn bị trùng này sang làm hầm chui.

Theo UBND Bình Dương, dự án này đang trình các cấp thẩm quyền sớm phê duyệt đúng trình tự, tiến độ. Để dự án đạt hiệu quả cao nhất, phía đại diện Nhật Bản và Bình Dương cần có thời gian bàn bạc cùng nhau để điều chỉnh lại cho phù hợp.

Tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn có chiều dài hơn 60km, đi qua nhiều khu công nghiệp. Vào giờ cao điểm, tại các điểm ngã tư, tuyến đường này thường xuyên ùn ứ phương tiện. Xe container, xe tải hạng nặng chủ yếu đi qua tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn. Trung bình mỗi phút có 15 container đi ra khỏi Bình Dương.

Lý do dự án 2.000 tỉ đồng xây 6 cầu vượt ở Bình Dương đổi thành hầm chui ảnh 2

Đường Mỹ Phước Tân Vạn, đoạn giao với ĐT.741

Ngoài tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn, hiện nay, tỉnh Bình Dương đã bắt đầu thực hiện công trình hầm chui đầu tiên trên tuyến quốc lộ 13 (còn gọi là Đại lộ Bình Dương). Công trình xây dựng hầm chui tại nút giao ngã 5 Phước Kiến thuộc loại công trình giao thông-hầm đường bộ, công trình cấp II. Công trình được đầu tư xây dựng nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua khu vực ngã 5 Phước Kiến; nâng cao năng lực thông hành trục quốc lộ 13; Phạm Ngọc Thạch; Huỳnh Văn Cù; Nguyễn Văn Tiết tại khu vực nút giao.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương. Công trình có quy mô hầm bê tông cốt thép, tuổi thọ thiết kế 100 năm; tĩnh không thiết kế hầm 5m; vận tốc thiết kế hầm, đường gom hai bên hầm 40km/h. Hầm chui theo hướng từ đường Huỳnh Văn Cù đến đường Phạm Ngọc Thạch. Đường dẫn 2 đầu hầm khoảng 229,60m; chiều dài của tuyến khoảng 629,96m.

Lý do dự án 2.000 tỉ đồng xây 6 cầu vượt ở Bình Dương đổi thành hầm chui ảnh 3

Đường Mỹ Phước Tân Vạn, đoạn giao với quốc lộ 1K

Lý do dự án 2.000 tỉ đồng xây 6 cầu vượt ở Bình Dương đổi thành hầm chui ảnh 4

Đường Mỹ Phước Tân Vạn, đoạn giao với ĐT.743

Lý do dự án 2.000 tỉ đồng xây 6 cầu vượt ở Bình Dương đổi thành hầm chui ảnh 5

Đường Mỹ Phước Tân Vạn, đoạn trùng với dự án Vành đai 3 TPHCM

MỚI - NÓNG