Dọn dẹp bãi rác, cắm biển cấm, cử người trông coi
Liên quan đến vấn đề báo Tiền Phong phản ánh trong chuyên đề “Tác nhân gây ô nhiễm Thủ đô: Những cột khói độc” (số ra ngày 8/4/2024), UBND quận Bắc Từ Liêm đã có công văn số 1018/UBND- TNMT yêu cầu UBND phường Cổ Nhuế 2 xác minh, làm rõ. Sau đó, UBND phường Cổ Nhuế 2 đã có văn bản báo cáo UBND quận Bắc Từ Liêm vào ngày 11/4.
Bãi đốt rác thuộc phường Cổ Nhuế 2 đã được căng dây, cắm biển cảnh báo |
Theo đó, UBND phường Cổ Nhuế 2 xác định khu vực đất cạnh nghĩa trang Hoàng Đống, thuộc tổ dân phố Đống 1 có diện tích khoảng 500m2 hiện do UBND phường Cổ Nhuế 2 quản lý và xác nhận có hiện tượng bị đổ, đốt trộm rác cỡ lớn (chăn, đệm, ghế sofa...), phế thải xây dựng… như Tiền Phong phản ánh. Nguyên nhân được cho là người đổ, đốt là các hộ dân có ý thức kém, người buôn bán đồng nát, sắt vụn... Hiện UBND phường đã giao Công an phường, Ban bảo vệ dân phố thường xuyên tuần tra địa bàn, nhắc nhở. Cùng với đó, UBND phường tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; căng dây, cắm biển cảnh báo về việc cấm đổ, đốt trộm rác.
Máy nghiền tái chế rác thải tại bãi phế thải xây dựng thuộc phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) |
Ngoài ra, như phản ánh của Tiền Phong, tình trạng tập kết trạc thải, đốt rác còn xảy ra ở nhiều địa điểm khác trên địa bàn phường Cổ Nhuế 2; nhiều đoạn có bãi trạc thải kéo dài vài chục mét trên đất nông nghiệp. Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 xác nhận, những khoảng đất nông nghiệp này hầu như không canh tác và có tình trạng bị đổ phế thải xây dựng lên trên.
Về những chuyến xe chở phế thải xây dựng đến công trường đang thi công của dự án Cụm công nghiệp Kim bài, thuộc thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai, Hà Nội), ông Khuất Hữu Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo làm rõ. Sau khi kiểm tra, ông Tuấn xác định, trạc thải mà Tiền Phong nêu do Cty Toàn Cầu kí hợp đồng với chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Kim Bài để làm đường công vụ, phục vụ cho quá trình thi công dự án. Các trạc thải đổ tại đây đã được Cty Toàn Cầu phân loại, nghiền để tái sử dụng.
Ông Cường cho biết, UBND phường đã yêu cầu các hộ dân dừng ngay việc đổ trạc thải trái phép lên trên; nếu bị lập biên bản xử phạt hành chính hai lần, UBND phường sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp thu hồi lại đất. Cùng với đó, UBND phường yêu cầu các đơn vị, Cty kinh doanh vật liệu xây dựng, phá dỡ công trình trên địa bàn phải đổ đúng nơi quy định; nếu đơn vị nào có xe đổ sai quy định, lực lượng phường phát hiện sẽ xử lý vi phạm đối với đơn vị đó.
Kiểm tra, xử lý các bãi trạc thải lớn
Tại bãi trạc lớn ở huyện Gia Lâm, nơi có chỉ số ô nhiễm không khí nặng nhất Thủ đô vào đầu tháng 3 vừa qua như Tiền Phong đã phản ảnh, theo ghi nhận của phóng viên, bãi rác này đã ngừng đốt. Lối vào bãi rác này trên QL 5B, đoạn gần đường Lý Thánh Tông, thuộc xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được quây kín, không còn thấy xe chở trạc thải ra vào. Bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm cho biết, nội dung Tiền Phong phản ánh được UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên Môi trường và Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu báo cáo. Hiện huyện đang hoàn tất các báo cáo này.
Liên quan đến “Chiêu làm ăn của chủ bãi rác” (vấn đề được nêu trong cụm chuyên đề về các cột khói độc trong nội thành của báo Tiền Phong nêu trên), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đã có công văn gửi UBND quận Hoàng Mai và UBND huyện Thanh Oai, chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
Bà Nguyễn Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội, nơi có bãi rác quy mô lớn mà Tiền Phong phản ánh) cho hay, bãi phế thải xây dựng mà báo đề cập rộng khoảng 4 hecta với khối lượng hàng trăm ngàn tấn, thuộc đất dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I. Hiện tượng đổ trộm chất phế thải đã diễn ra từ nhiều năm trước, tích tụ theo thời gian dài. Để giải quyết tình trạng này, tháng 3/2023, UBND phường Đại Kim đã phối hợp với các đơn vị rào chắn các lối vào, cắm biển cấm xâm phạm tại khu đất trên. UBND phường đã huy động nguồn lực xã hội hóa để xử lý, di dời toàn bộ bãi phế thải tồn đọng. Hiện bãi trạc thải này đang được Cty cổ phần dịch vụ sản xuất Toàn Cầu (Cty Toàn Cầu) tiến hành phân loại. Theo đó, rác thải hữu cơ, rác sinh hoạt, nhựa, gỗ… được đưa đi nơi khác xử lý, không được phép đốt tại chỗ. Còn trạc thải xây dựng được nghiền, tái chế, phục vụ các công trình xây dựng.
Trước đó, trong chuyên đề nêu trên, Tiền Phong phản ánh về nhóm đối tượng ở trong căn nhà quây tôn, nằm sâu trong ngõ 300 Nguyễn Xiển, ngay sát bãi trạc thải. Người đứng đầu nhóm này xưng là Hòa “cao”, đứng ra nhận mua bán phế thải xây dựng với giá 1,4 triệu đồng/xe cỡ 20 khối. Về vấn đề này, bà Thái cho biết, đây là khu vực giáp ranh giữa hai phường Đại Kim và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội). UBND phường Đại Kim sẽ kiểm tra, xác minh lại vị trí địa giới của các nhà quây tôn mà báo Tiền Phong phản ánh để có phương án xử lý.