Tác nhân gây ô nhiễm Thủ đô: Những cột khói độc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nội thành Hà Nội nhan nhản các bãi rác thải tại các khu đất dự án chưa triển khai, đất nông nghiệp xen kẹt, bờ hồ, bãi sông. Rác là trạc thải xây dựng, lẫn đồ nội thất cũ hỏng, rác sinh hoạt... Vài ngày, thường là vào ban đêm, những bãi rác khổng lồ này đỏ lửa, nhả khói độc lên bầu trời Thủ đô. Đó không phải là hoạt động nhỏ lẻ mà là các đường dây làm ăn quy mô lớn, là nguyên nhân làm không khí tại Hà Nội ô nhiễm nặng nề…
Tác nhân gây ô nhiễm Thủ đô: Những cột khói độc ảnh 1
Đốt phế thải xây dựng tại Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội)

Lần theo các cột khói

Dọc tuyến đường sắt dài khoảng 700 mét, bắt đầu từ Ga Phú Diễn hướng về phía đường K1 (Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), các bãi vật liệu xây dựng, nhà xưởng sản xuất nhựa được quây bằng tôn san sát. Đây là khu vực mà phóng viên từng nhiều lần chứng kiến những đám khói đen bốc lên nghi ngút, nhất là vào ban đêm.

Chúng tôi có mặt tại đây ban ngày để dễ quan sát hơn. Lúc chúng tôi có mặt, những chiếc xe tải loại 5 - 10 khối chở phế liệu xây dựng gồm gạch, đá, đất, nylon, vỏ bao tải... (gọi chung là trạc thải - PV) di chuyển vào đây. Bụi đất từ thùng xe và dưới lòng đường quện lên đặc quánh. Đến đoạn hồ nước rộng chừng vài trăm mét vuông, các xe này quay đuôi về phía hồ, tuồn rác xuống. Một chiếc xe cẩu chờ sẵn, liên tục múc trạc thải, san gạt, thu hẹp diện tích mặt hồ.

Đối diện đó là một bãi tập kết phế thải xây dựng khác, rộng đến nghìn mét vuông, được quây tôn, lưới thép. Ở giữa bãi là lối đi, xung quanh là những đống phế thải hỗn tạp; gồm các tảng bê tông lớn, đất, gỗ, bao tải, đệm xốp... vẫn còn vết cháy đen kịt, loang lổ. Một góc nhỏ của bãi chưa được lấp bằng trạc thải, trơ ra lớp đất bên dưới lẫn túi nylon, đá, gạch vụn... Dòng nước cạnh đó đục ngầu, bốc mùi hôi thối. Người trông coi ở đây cho biết, chủ của bãi trạc thải này tên Thanh nhưng ít khi có mặt tại đây.

Cách hồ nước vài chục mét lại có một bãi trạc thải khác nhưng lối vào lại sâu trong ngõ 139 phố Phú Diễn. Bãi này đang bốc khói đen kịt. Khi thấy chúng tôi đi theo, chiếc xe tải chở trạc thải liền quay đầu đi ra. Bãi nằm ngay sát khu dân cư, rộng vài trăm mét. Ngay lối vào là điểm tập kết các bao tải, túi nylon, thùng xốp, gạch, xi măng, bồn rửa mặt... được vứt vạ vật. Các vết cháy loang lổ vẫn nghi ngút khói. Phế thải xây dựng từ đất, đá, túi nylon,... được chất cao 4 đến 5 mét.

Người dân ở đây cho biết, bãi chất thải xây dựng này hoạt động từ lâu, xe tải ra vào liên tục cả đêm, ngày. “Họ gom về đây để san lấp. Thỉnh thoảng, rác chất ùn ứ bị đốt, khói đen đặc quánh bay thẳng vào nhà, khiến không khí ở đây bị ô nhiễm. Không chỉ vậy, những người thu gom phế liệu thấy bãi đất trống cũng mang dây điện vào đây đốt”, một người sống cạnh đó nói.

Tình trạng tập kết trạc thải, đốt khói gây ô nhiễm cũng diễn ra tương tự ở gần khu nghĩa trang thôn Đống, trên đường Phan Bá Vành (thuộc phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Rác được đốt ở đây gồm ghế sofa, các phế thải nội thất cỡ lớn, xen lẫn đất, đá, xi măng... Ngay sát đó là khu dân cư đông đúc. Một dãy những nhà xưởng, quán nước được quây tôn dựng lên. Có đoạn, bãi trạc thải còn đổ ra khoảng vài chục mét, trên khoảng đất nông nghiệp.

Trạc thải xuất hiện từ đâu?

Hiện tại, rác sinh hoạt tại Hà Nội được chính quyền đảm bảo thu gom. Tuy nhiên, những rác thải xây dựng, rác thải nội thất chưa được bao cấp xử lý và đó là “đất sống” cho những bãi rác trái phép. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “phá dỡ công trình tại Hà Nội”, Google hiển thị khoảng 5,6 triệu kết quả. Dịch vụ này có giá trung bình từ 200 đến 350 nghìn/m3, tùy vào địa hình. Nhà trong ngõ càng sâu thì giá càng cao. “Nếu ngõ sâu thì cho tăng bo, cho xe ba gác vào chở. Nhà 180 m2 xây dựng thì giá khoảng 60 - 70 triệu đồng, còn cụ thể thì cần phải khảo sát. Không cần phải giấy tờ gì, chỉ cần viết cam kết thanh toán theo từng giai đoạn thi công là được”, một chủ bãi trạc ở Bắc Từ Liêm ra giá với phóng viên.

Quá trình xâm nhập thực tế, chúng tôi chứng kiến việc phá dỡ, vận chuyển trạc thải diễn ra hàng ngày và rất nhanh chóng. Đơn cử, một ngôi nhà nằm sâu trong ngõ gần dốc Minh Khai - Nguyễn Khoái (Hà Nội) được phá dỡ chỉ sau một đêm với đủ các loại xe cỡ lớn. Ngay đầu dốc, 2 chiếc xe tải loại 5 khối chờ sẵn. Phía trong, cần cẩu, nhân công đục phá liên tục rồi đưa trạc thải gồm gạch, vữa, xi măng, bao tải, cửa gỗ, giường chiếu cũ ra xe tải. Chỉ khoảng 20 phút, xe tải đầy thùng và di chuyển. Một lái xe chở trạc thải cho hay, chủ nhà chỉ cần vứt bỏ được những trạc thải này, còn đi về đâu là việc của người nhận công trình.

Rác tràn xuống ruộng, xuống đất dự án

Theo thông tin được công bố, hiện Hà Nội chỉ có 3 điểm tập kết, chôn lấp trạc thải chính thức được cấp phép, gồm bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng Nguyên Khê (ở xã Nguyên Khê và Xuân Nộn, huyện Đông Anh) và hai điểm trung chuyển và tái chế tạm thời lần lượt tại phường Thanh Trì và phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Hai điểm trung chuyển tại quận Hoàng Mai đã hết thời gian hoạt động thí điểm, còn bãi chôn lấp Nguyên Khê đã gần như hết chỗ, sắp phải đóng cửa. Như vậy, các điểm mà chúng tôi ghi nhận nêu trên đều không có phép.

Tác nhân gây ô nhiễm Thủ đô: Những cột khói độc ảnh 2
Đốt phế thải xây dựng trên đường Phan Bá Vành (Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Càng xa trung tâm, các bãi trạc thải trái phép càng có quy mô lớn vì có diện tích đất trống, nhất là đất nông nghiệp. Vào tháng 3 vừa qua, khi Hà Nội trải qua đợt ô nhiễm không khí nặng nề, khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam là khu vực duy nhất có chỉ số không khí ở mức “nguy hiểm” trong nhiều ngày. Nhiều ngày khảo sát tại đây, chúng tôi phát hiện một cột khói đen bốc cao cạnh Học viện Nông nghiệp, ngay cạnh đại đô thị Ocean Park. Có chứng kiến những cột khói nghi ngút cùng mùi nhựa cháy khét lẹt mới cảm nhận được tác hại ghê rợn của việc đốt rác độc thô sơ ngay tại Thủ đô này. UBND huyện Gia Lâm đã xác nhận đây là bãi rác trái phép, hoạt động trên đất nông nghiệp và đang trong quá trình cưỡng chế. Cuối năm 2022, người dân phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kêu trời, liên tục gọi điện đến đường dây nóng báo Tiền Phong vì một bãi tập kết phế liệu xây dựng lớn liên tục rực lửa suốt nhiều tháng. Quanh khu vực này có khoảng 40 hộ dân đang sinh sống (với trên 30 cháu nhỏ và người già) phải chịu ô nhiễm môi trường nặng nề. Khi Tiền Phong phản ánh, chính quyền phường này xác nhận đây là bãi rác trái phép trên đất dự án, yêu cầu người đốt ký cam kết về việc không tái phạm.

Tiếp tục hành trình tìm các bãi trạc thải ngay trong lòng Hà Nội, những ngày qua chúng tôi còn ghi nhận hàng loạt bãi trạc thải lớn ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ. Đặc biệt, bờ sông Hồng trở thành bãi đáp lớn nhất của các xe chở trạc thải, rác nội thất, rác sinh hoạt. Trong vai những người có nhu cầu cần phá dỡ nhà, san lấp nền, chúng tôi đã thâm nhập vào được đường dây mua bán trạc thải, gom rác và đốt khói độc ngay ở Thủ đô này…

MỚI - NÓNG