Tính chất ‘lá mặt lá trái’ của Mỹ trong khủng hoảng Qatar

Ảnh: TheAtlantic
Ảnh: TheAtlantic
TPO - Mỹ và Qatar ký kết Thỏa thuận về chống khủng bố trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh chưa có hồi kết. Đặc biệt, Thoả thuận diễn ra trong thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích chính phủ Qatar ủng hộ tài chính cho các tổ chức khủng bố. Động thái này làm dấy lên những hoài nghi về toan tính của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng này.

Tính chất hai mặt của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Qatar

Phản ứng của chính quyền Trump đối với cuộc khủng hoảng Qatar khiến cho giới phân tích cảm thấy ngày càng khó hiểu đối với quan điểm lập trường của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay.

Ngay sau khi khủng hoảng nổ ra, ông Donald Trump công khai cáo buộc đồng minh Qatar tài trợ chủ nghĩa cực đoan, đồng thời ngầm ủng hộ cô lập nước này.

Trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump bày tỏ: "Thật không may, Qatar đã hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố trong thời gian dài, sự hỗ trợ này đã đạt tới một mức độ rất cao".

Trước đó, ông Trump cũng đã viết trên trang Twitter hôm 6/6 của mình rằng, ông bày tỏ sự ủng hộ đối với các nước vùng Vịnh đứng đầu là Saudi Arabia trong việc cô lập Qatar.

Những tuyên bố của ông Donald Trump dường như đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, có thể làm đảo lộn sự cân bằng quyền lực ở Trung Đông. Trong khi đó, chỉ mới vài tuần trước cuộc khủng hoảng, ông Trump còn cười tươi và bắt tay với Quốc vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani, nói rằng “chúng ta là bạn bè, là bạn từ rất lâu rồi”.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh giữa Qatar và một số nước Arab tiếp tục "căng như dây đàn", ngày 6/7 Mỹ tiếp tục tái khẳng định quan hệ đối tác an ninh chiến lược với Qatar. 

Tiếp đến, trong chuyến thăm Qatar ngày 11/7 của Ngoại trưởng Mỹ, Mỹ và Qatar tiếp tục ký kết Thỏa thuận về hợp tác chống khủng bố.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại rằng bất đồng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab khác hiện đã lâm vào thế bế tắc và có thể kéo dài hoặc tiếp tục leo thang. Một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ thừa nhận, nhiều hành vi của Qatar rất đáng lo ngại, không chỉ với các nước láng giềng vùng Vịnh và cả Mỹ. “Chúng tôi muốn đưa họ đi đúng hướng”, quan chức Mỹ chia sẻ.

Thỏa thuận về chống khủng bố Mỹ-Qatar

Ngày 11/7, Mỹ và Qatar đã ký Thỏa thuận về chống khủng bố và ngăn chặn tài trợ cho khủng bố nhân chuyến thăm Doha của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. 

Theo Ngoại trưởng Mỹ, thỏa thuận được ông ký với người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani sau nhiều tuần thảo luận. Nội dung thỏa thuận bao gồm một loạt các bước đi của mỗi nước trong thời gian tới nhằm ngăn chặn dòng tài trợ cho khủng bố cũng như tăng cường các hoạt động chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Tillerson nhấn mạnh thỏa thuận đưa ra lộ trình để đảm bảo Mỹ và Qatar có trách nhiệm với các cam kết của mình. "Mỹ và Qatar sẽ cùng nhau hợp tác nhiều hơn nữa để ngăn nguồn tài trợ khủng bố, phối hợp và chia sẻ thông tin nhằm giúp khu vực an toàn hơn", ông Tillerson nói.

Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ, ông R.C. Hammond cũng cho biết: "Qatar và Mỹ đã ký một bản ghi nhớ vạch ra những nỗ lực trong tương lai, theo đó Qatar có thể củng cố cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết tích cực các vấn đề tài trợ cho khủng bố"

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed khẳng định thỏa thuận với Mỹ không liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra giữa Doha và bốn nước vùng Vịnh gồm Ai Cập, Ả Rập Xê Út, UAE và Bahrain.

Ngược lại, trong một tuyên bố chung ngày 11/7, bốn nước vùng Vịnh trên cho rằng thỏa thuận chống khủng bố giữa Mỹ và Qatar là không đủ, đồng thời cho biết các biện pháp trừng phạt đối với Qatar vẫn sẽ được duy trì.

Hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia dẫn tuyên bố chung khẳng định "bước đi này là không đủ", đồng thời cho biết thêm bốn quốc gia Arab sẽ "giám sát chặt chẽ sự nghiêm túc của giới chức Qatar trong việc chống lại tất cả các hình thức viện trợ, hỗ trợ và chứa chấp chủ nghĩa khủng bố". 

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry cho biết các biện pháp của Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Bahrain chống lại Qatar được đưa ra sau khi xác nhận sự can thiệp của Doha vào công việc nội bộ các nước trong khu vực và tài trợ khủng bố.

Toan tính thực sự của Mỹ

Những gì diễn ra xung quanh trước và trong thời điểm Thỏa thuận được ký kết cho thấy tính chất "hai mặt" của Mỹ trong việc đối xử với cuộc khủng hoảng ngoại giao và chính trị tại vùng Vịnh hiện nay.

Theo các chuyên gia phân tích, toan tính thực sự của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Qatar là lợi dụng mâu thuẫn vốn tồn tại trong thế giới Ả Rập. Một mặt Mỹ ngầm gợi ý cho các quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh cô lập Qatar, mặt khác vẫn khẳng định mối quan hệ đồng minh với nước này và kêu gọi hòa giải.

Mục tiêu cuối cùng của Mỹ là trở thành bên trung gian vừa để nâng cao tầm ảnh hưởng tại khu vực, tận dụng cơ hội giành một số chiến thắng trên chiến trường Syria, phần nào đẩy lùi các nhóm khủng bố.

Hơn tất cả, Mỹ muốn biến tất cả các quốc gia vùng Vịnh trở thành đồng minh trung thành với cường quốc này, mà không có sự ảnh hưởng từ chủ nghĩa cực đoan. 

Phản ứng có phần "tiền hậu bất nhất" của chính quyền Trump đối với Qatar cho thấy tính chất "lá mặt lá trái" của Mỹ trong việc đối xử với cuộc khủng hoảng ngoại giao và chính trị tại vùng Vịnh hiện nay. Động thái này của Mỹ càng như "tiếp thêm dầu vào lửa" khiến cho "đốm lửa âm chỉ cháy" ở Trung Đông luôn trực chờ bùng cháy bất cứ lúc nào.

Liệu những toan tính trên của Mỹ có thành hiện thực hay không điều này quyết định ở ý chí của các nước liên quan, cũng như khả năng giải quyết mâu thuẫn giữa Qatar và các nước Arab còn lại.

MỚI - NÓNG