Cụ thể, ngày thứ Hai (10/7), Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani gửi một bức thư tới Tổng thư ký của GCC Abdul Latif Bin Rashid Al Zayani, trong đó đưa ra các điều kiện để Doha không rút khỏi tổ chức.
Ông Sheikh Mohammed cho biết, Qatar cam kết tuân thủ pháp luật và các công ước quốc tế, đặc biệt về chống khủng bố và tài chính của nước này, đồng thời nhấn mạnh, sẽ không thương lượng vấn đề về chủ quyền.
Quan trọng hơn, ông Sheikh Mohammed thông báo thời hạn 3 ngày để các quốc gia vùng Vịnh dỡ bỏ cấm vận đối với Qatar và bồi thường thiệt hại chính trị, cũng như kinh tế. Sau thời hạn trên, Qatar sẽ chính thức công bố rút khỏi GCC nếu các yêu cầu không được thực thi, theo bức thư.
Đây là động thái mới nhất của Qatar để đối phó với cuộc khủng hoảng vùng Vịnh tồi tệ nhất nhiều năm trở lại.
Doha luôn ưu tiên giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, nhưng cũng tuyên bố, sẽ không nhún nhường trước bất kỳ hành vi xâm phạm chủ quyền và vấn đề nội bộ của Qatar. Theo Qatar, nước này đầy đủ tiềm lực và tài chính để “sống chung với bão” trường kỳ.
Hôm 9/7, Qatar đã thông báo thành lập một ủy ban phụ trách việc đòi bồi thường khoản tiền lên đến hàng tỷ USD cho các thiệt hại phát sinh từ lệnh phong tỏa do Ả Rập Saudi và các đồng minh áp đặt lên quốc gia vùng Vịnh này.
Doha trước đó cũng từ chối yêu sách 13 điều chấm dứt khủng hoảng vùng Vịnh do 4 nước áp lệnh phong tỏa bao gồm Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập. Theo Qatar, các điều kiện trên “bất hợp lý và không thể thực hiện được”.