Câu hỏi đặt ra là vì sao Qatar lại "thiếu nghiêm túc" trong việc phản hồi yêu sách trên. Động cơ nào thúc đẩy Qatar quyết định "cứng rắn" như vậy.
Giới phân tích cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trong nước và bối cảnh quốc tế.
Tăng cường nội lực trong nước
Để chống chọi với sự phong tỏa kinh tế nghiêm ngặt của các nước vùng Vịnh đứng đầu là Saudi Arabia, chính phủ Qatar đã kích hoạt một loạt các biện pháp trên các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại.
Trong một động thái được cho là nhằm chuẩn bị đối phó với mọi tình huống xấu mà các nước vùng Vịnh áp đặt, Qatar ngày 4/7 đã thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên thêm 30% trong vài năm tới.
Phát biểu với báo giới, Giám đốc Cơ quan Dầu khí Qatar Saad Sherida Al-Kaabi cho biết nước này có ý định tăng sản lượng khai thác khí đốt lên mức 100 triệu tấn/năm vào năm 2024.
Mặc dù sản lượng dầu mỏ của Qatar chỉ khoảng 600.000 thùng dầu/ngày, tương đương chưa đến 1% tổng sản lượng dầu thô toàn thế giới, song quốc gia này vẫn là một “ông lớn” trên thị trường khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) khi chiếm tới hơn 30% nguồn cung toàn cầu.
Trong tổng số 80 triệu tấn LNG mà Qatar xuất khẩu, hầu hết được vận chuyển bằng các tàu chở dầu đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu.
Trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ, hiện các ngân hàng Qatar đang thực hiện chính sách tài chính mới, trong đó trọng tâm là tăng khả năng thanh khoản và cải thiện cải thiện khả năng thu mua USD.
Về kinh tế-xây dựng, chính phủ Qatar tập trung đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các hợp đồng kinh tế-xây dựng trị giá hàng trăm triệu USD với các công ty đã đang có quan hệ làm ăn với Qatar, bao gồm nhà thầu Dubai Drake & Scull International, Tập đoàn bất động sản Damac Properties, Tập đoàn Năng lượng Dolphin Energy đến từ Abu Dhabi.
Sự ủng hộ của các đồng minh trong khu vực
Ngoài ra, sở dĩ Qatar thể hiện thái độ "không khoan nhượng" với yêu sách của các nước vùng Vịnh là có sự ủng hộ "vô điều kiện" của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Một vài tuần sau khi Saudi Arabia tiến hành cuộc vận động ngoại giao nhằm tẩy chay Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định dứt khoát đứng về phía Doha. Sự ủng hộ của Ankara đối với Doha bao trùm trên các phương diện từ ngoại giao, kinh tế tới quân sự.
Về mặt ngoại giao, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 4/7 tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Ankara với Qatar, đồng thời bày tỏ sự giận dữ đối với danh sách các yêu cầu của 4 nước Arab dành cho chính quyền Doha. Ông Erdogan cho rằng hành động của các nước Arab nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ Qatar hết lòng trên lĩnh vực kinh tế và quân sự như cung cấp cho Qatar thực phẩm và nước, cho phép quân đội nước này đến một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar.
Ngoài ra, Qatar cũng nhận được sự ủng hộ to lớn của Iran. Ngay sau khi xảy ra khủng hoảng Qatar, Tổng thống Iran Hassan Rohani tuyên bố quốc gia Hồi giáo muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với Qatar và phản đối việc Saudi Arabia cùng các nước đồng minh phong tỏa đối với Doha.
Đặc biệt, Iran đã cấp phép cho các máy bay chở khách của Qatar bay qua không phận nước cộng hòa Hồi giáo này, trong khi đóng không phận đối với các nước Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ngoài ra, Iran còn chuyên chở hàng ngày bằng đường biển hàng nghìn tấn trái cây và rau củ cho Qatar.
Sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế
Ngoài ra, Qatar cũng nhận được sự ủng hộ "không hề nhỏ" từ quốc gia đứng đầu châu Âu là Đức và Anh.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel ngày 4/7, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Qatar Al-Thani, bày tỏ, chủ quyền của mỗi quốc gia đều phải được tôn trọng. Trong cuộc khủng hoảng này, Qatar đã không áp dụng các biện pháp trả thù để làm xung đột gia tăng mà đã thể hiện một sự kiểm chế.
Theo Đài tiếng nói nước Đức, Quốc vương Saudi Arabia Salman và tân Thái tử Saudi Arabia ngày 4/7 đã xác định không tham dự Hội nghị G20. Lý do là vì phải giải quyết các vấn đề lien quan tới cuộc khủng hoảng Qatar.
Các nhà phân tích cho rằng, thực chất của quyết định này là không hài lòng với sự ủng hộ của Đức dành cho Qatar, đồng thời không muốn bị cô lập và rơi vào tình thế bất lợi khi vấn đề khủng hoảng Qatar được đề cập trong các cuộc hội thảo tại G20. Việc quốc vương và tân thái tử Saudi Arabia bất ngờ tuyên bố không tham gia Hội nghị G20 cho thấy, dường như muốn phản đối sự ủng hộ của Đức đối với Qatar.
Trước đó, ngày 26/6, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đưa ra tuyên bố cho rằng danh sách 13 yêu cầu mà 4 nước Arab đưa ra cho Qatar để đổi lấy việc nối lại mối quan hệ là mang tính chất “rất khiêu khích”, bởi một số yêu cầu trong đó đã thách thức vấn đề chủ quyền của Qatar.
Theo ông Gabriel, một số yêu cầu Qatar có thể ngồi lại với các nước Arab để thương lượng, tuy nhiên, Qatar khó có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu trong bản danh sách này.
Ngoài ra, Viện Henry Jackson Seciety của Anh trong báo cáo mới nhất đã chỉ ra, Saudi Arabia có mối quan hệ rõ ràng với chủ nghĩa cực đoan ở Anh. Và kêu gọi triển khai điều tra công khai đối với vai trò của Saudi Arabia.
Báo cáo còn chỉ trích, một số cá nhân và tổ chức của các quốc gia Ả-rập đã cung cấp tài chính cho tổ chức khủng bố. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước vùng Vịnh đứng đầu là Saudi Arabia áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc và đe dọa sử dụng vũ lực đối với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ các tổ chức khủng bố.
Theo các chuyên gia phân tích, việc Qatar thể hiện thái độ "cứng rắn" đối với các yêu sách của các nước vùng Vịnh cho thấy, Qatar đã có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến lâu dài với các nước vùng Vịnh láng giềng.
Các yêu sách đối với Qatar chắc chắn sẽ gây hậu quả kinh tế về lâu dài cho nước này. Tuy nhiên, Qatar sẽ có thể tránh được khủng hoảng kinh tế bất chấp các biện pháp cấm vận, xét tới cán cân thương mại giữa nước này và Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) chỉ chiếm 12% tổng kim ngạch buôn bán của Qatar và 8% kim ngạch nội khối Arab. Trao đổi thương mại của Qatar với các nước GCC khác tương đối nhỏ nên có thể bù đắp thông qua nhập khẩu từ những nước khác ngoài khu vực.