Lý do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở Qatar giữa lúc khủng hoảng

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Nhà khoa học chính trị Qatar, Viện sĩ Mohammed al-Musaffir cho biết sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar không liên quan đến cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay ở khu vực.

Tại cuộc trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, Viện sĩ Mohammed al-Musaffir cho biết: “Hiệp định hợp tác quân sự giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ký năm 2014. Trong khuôn khổ thỏa thuận, các cố vấn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên đến Qatar. Trước khi xảy ra khủng hoảng, Doha và Ankara đã tổ chức hoạt động tập trận chung.

Ngoài ra, Doha cũng tiến hành tập trận với các nước khác trong vùng Vịnh. Điều đáng chú ý là Saudi Arabia cũng ký hiệp định quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Về những quan điểm vì sao hiệp định được thực hiện vào thời điểm khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các nước vùng Vịnh, chuyên gia này cho rằng việc thực hiện các điều ước luôn đòi hỏi thời gian.

Tài liệu ký năm 2014/2015, vào tháng 7/2016, ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra âm mưu đảo chính. Sau đó hiệp định được phê chuẩn và cuộc khủng hoảng chính trị ngoại giao bùng nổ.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ Qatar, theo như thỏa thuận đó là sự hỗ trợ mở. Thổ Nhĩ Kỳ không đe dọa an ninh khu vực.

Saudia Arabia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) sở hữu lực lượng vũ trang hùng mạnh mà Qatar không thể cạnh tranh. Do đó, chúng tôi cần những thỏa thuận quân sự tương tự để nắm thế chủ động”, chuyên gia Qatar kết luận.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/6 khẩn cấp thông qua dự luật cho phép quân đội nước này đến một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Hai ngày sau dự luật trên đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ký ban hành.

Hợp tác giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã "sâu rễ bền gốc" ngay từ thời cha của Quốc vương hiện tại Seikh Hamad bin Khalifa al-Thani. Hai nước này không chỉ thiết lập quan hệ kinh tế mà còn có sự gần gũi về quan điểm đối với Syria.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Qatar đều không ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad  và lực lượng ly khai người Kurd.

Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có lịch sử lâu đời luôn đứng cùng một bên trong các diễn biến và xung đột trong khu vực. Cả hai đều hỗ trợ cho cuộc cách mạng Ai Cập và lên án cuộc đảo chính quân sự đã đưa lãnh đạo hiện nay của Ai Cập là Abdel Fattah el-Sisi lên cầm quyền.

Hai nước này cũng từ chối việc liệt tổ chức Anh em Hồi giáo và Hamas vào danh sách “các tổ chức khủng bố”.

MỚI - NÓNG