Al Jazeera đưa tin, 4 quốc gia áp lệnh trừng phạt đối với Qatar và cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố cho rằng, hồi đáp của Doha sau khi kết thúc thời hạn thi hành bản yêu sách 13 điều do các nước này đặt ra để chấm dứt khủng hoảng vùng Vịnh là “không nghiêm túc”.
Tuyên bố được đưa ra hôm thứ Tư (5/7) trong một cuộc họp báo chung sau khi Ngoại trưởng 4 nước Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập họp bàn về Qatar tại thủ đô Cairo của Ai Cập.
Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry cho biết, phản ứng của Qatar “nói chung là tiêu cực” và không “đặt nền móng cho việc đảo ngược các chính sách mà Qatar đang theo đuổi”.
Ông Shoukry chỉ trích, hồi đáp từ Doha thể hiện sự thất bại trong việc nhận ra sự nghiêm trọng của tình hình.
“Chúng tôi hy vọng sự thông thái sẽ chiếm ưu thế và cuối cùng Qatar cũng sẽ có những quyết định đúng đắn”, ông Shoukry nói thêm.
Về phía Ả Rập Saudi, Ngoại trưởng Adel al Jubeir tuyên bố, các bước đi tiếp theo đáp trả lại thái độ thiếu hợp tác của Qatar sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp và sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ông này nhấn mạnh, lệnh trừng phạt về chính trị và kinh tế sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi Doha thay đổi chính sách tốt hơn.
Trong khi, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan tỏ thái độ gay gắt hơn khi chỉ trích Qatar chỉ quan tâm tới “sự tàn phá, kích động, cực đoan và khủng bố”.
Theo Al Jazeera, các quan chức ngoại giao cấp cao của 4 nước Ả Rập chỉ tập trung vào các cáo buộc chống Qatar.
Trước đó, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi xác nhận đã nhận được phản hồi từ Qatar về các yêu cầu của họ và sẽ trả lời vào “đúng thời điểm”.
Ngày 22/6, 4 quốc gia Ả Rập thông qua Kuwait, quốc gia trung gian hòa giải khủng hoảng vùng Vịnh, gửi Qatar bản yêu cầu gồm 13 điểm chính. Trong đó, các nước này có yêu cầu Qatar chấm dứt tài trợ cho khủng bố, hạ bậc ngoại giao với Iran, đóng cửa truyền hình Al Jazeera, hủy bỏ căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar…
4 quốc gia Ả Rập cho Qatar 10 ngày để quyết định. Thời hạn này sau đó kéo dài thêm 48 giờ theo yêu cầu của Kuwait.
Nội dung thư hồi đáp của Qatar hôm 3/7 không được tiết lộ, nhưng sau đó Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nói trước báo chí, danh sách yêu cầu “không thực tế và không thể thực hiện được”.
Cùng ngày với quốc họp của các nước do Ả Rập Saudi dẫn đầu, ông Sheikh Mohammed kêu gọi một cuộc đối thoại để giải quyết bế tắc. Qatar phủ nhận bất kỳ sự ủng hộ nào đối với chủ nghĩa cực đoan và buộc tội các quốc gia trên muốn xâm phạm chủ quyền của họ.
Hiện tại, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại khu vực đến hơn 1 tháng. Nếu các bên vẫn không chịu thỏa hiệp, diễn biến tại vùng Vịnh sẽ ngày càng căng thẳng và theo chuyên gia nhận định, có thể có các động thái quân sự.