“Bộ trưởng Adel al-Jubeir đã nhận được phản hồi chính thức của Qatar đối với các yêu cầu từ các nước áp lệnh phong tỏa từ Ngoại trưởng Kuwait Sheikh Mohammad Abdullah Al Sabah”, hãng tin Saudi News Agency dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi trên Twitter vào đầu ngày thứ Tư (5/7).
Theo Saudi News Agency, Ả Rập Saudi và các đồng minh Ả Rập cho biết Qatar “sẽ nhận được hồi âm trong thời gian tới”.
Trước đó, hôm thứ Hai (3/7), Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã gửi bức thư của vua nước này cho Kuwait, để thông qua nước này hồi đáp về bản yêu sách chấm dứt khủng hoảng vùng Vịnh do 4 nước Ả Rập gồm Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đưa ra.
Tuy chưa rõ lá thư từ Doha viết những gì và Qatar có chấp nhận bản yêu sách 13 điều từ các nước láng giềng hay không, nhưng một ngày sau đó, ông Sheikh Mohammed tuyên bố trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Sigmar Gabriel của Đức, danh sách các điều kiện phục hồi quan hệ ngoại giao “không thực tế và không thể thực hiện được”.
Đây là điều mà trước đó Qatar nhắc đi nhắc lại nhiều lần kể từ khi nhận được “tối hậu thư”.
Dù vậy, theo ông Sheikh Mohammad, câu trả lời của Qatar thiện chí và đưa ra giải pháp mang tính xây dựng, nhưng quyết không thỏa hiệp với bất cứ hình thức xâm phạm chủ quyền nào.
Khủng hoảng ở Qatar sẽ càng trầm trọng?
Theo đúng kế hoạch, ngày hôm nay (5/7), các Ngoại trưởng của Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập sẽ họp về Qatar tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Người đồng cấp của Kuwait, quốc gia trung gian hòa giải khủng hoảng vùng Vịnh, cũng sẽ tham gia cuộc họp này.
Chưa rõ nội dung cụ thể trong cuộc họp, tuy nhiên, giới truyền thông nhận định, Qatar đối mặt với những lệnh trừng phạt mới “khủng khiếp” hơn tình trạng hiện tại như bị cô lập triệt để và bị khai trừ khỏi GCC - tổ chức hợp tác kinh tế và an ninh khu vực được thành lập năm 1981… nếu phản hồi của nước này không thỏa đáng.
“Mỗi quốc gia vùng Vịnh có thể phải chuẩn bị tâm lý cho một vùng Vịnh không có Qaatar”, trích bài xã luận trên tờ al-Ittihad của UAE.
Trước đó, khi yêu sách của các quốc gia vừa được gửi đến Qatar cách đây 2 tuần, Đại sứ UAE tại Nga từng cảnh báo, Qatar có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới nếu không đáp ứng được các điều kiện trên, như các quốc gia vùng Vịnh có thể yêu cầu các đối tác thương mại lựa chọn làm việc với họ hoặc Doha…
Trong khi, ngày 4/7, Qatar công bố kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Động thái này cho thấy, nước này đã sẵn sàng cho một cuộc tranh chấp kéo dài với các nước láng giềng vùng Vịnh. Tuy nhiên, Doha nhấn mạnh, vẫn đang làm tất cả để đạt được thỏa thuận thông qua đối thoại.
Các động thái và dự đoán trên đều hướng đến một nguy cơ, tình hình vùng Vịnh khó có thể dịu đi nếu không có bên nào chịu thỏa hiệp. Và với vai trò trung gian, trọng trách trên vai Kuwait ngày càng nặng nề hơn.