Tiết lộ tín hiệu cuối cùng của máy bay mất tích

Máy bay C-130 của không quân Singapore tham gia tìm kiếm ở biển Đông. Ảnh: SP
Máy bay C-130 của không quân Singapore tham gia tìm kiếm ở biển Đông. Ảnh: SP
TP - Chính quyền Malaysia hôm qua cho biết, thông điệp cuối cùng mà trạm kiểm soát nhận được từ chiếc Boeing mất tích là mọi việc vẫn bình thường, nhưng chỉ vài phút sau, nó biến mất trên biển Đông. Trong khi đó, khu vực tìm kiếm máy bay được mở rộng đến cả vùng biển của Ấn Độ.

Trong cuộc họp báo hôm 12/3 tại Bắc Kinh với người thân của 154 hành khách Trung Quốc mất tích cùng chuyến bay, quan chức Malaysia tiết lộ rằng, phi công của chuyến bay MH370 trả lời: “Ổn cả, đã rõ” để trả lời tín hiệu radio từ trạm kiểm soát không lưu. Theo quan chức Malaysia, máy bay được phát hiện lần cuối cùng ở khu vực gần Pulau Perak, một hòn đảo rất nhỏ trên eo biển Malacca nằm giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia.

Malaysia xác nhận tín hiệu ở Malacca


Chính quyền Malaysia ngày 12/3 xác nhận rằng, radar quân đội nước này đã phát hiện một máy bay ở eo biển Malacca vào hồi 2h15 phút sáng 8/3 cách đảo Penang 200 hải lý về phía tây bắc, nhưng không thể khẳng định đó có phải là chiếc Boeing mất tích mang số hiệu MH370 hay không, báo Malaysia Malay Mail Online đưa tin.

Tại cuộc họp báo hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia Rodzali Daud và Tư lệnh Quân đội Malaysia Zulkifeli Mohd Zin nói rằng, các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu dữ liệu để có kết luận rõ ràng. “Tôi không nói đó là chuyến bay MH370. Chúng tôi vẫn đang làm việc với các chuyên gia”, Tư lệnh Không quân Rodzali nói. Trong số chuyên gia có những người đến từ Mỹ.

Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman, giải thích rằng, ngành hàng không dân dụng sử dụng radar thứ cấp - thiết bị nhận thông tin từ bộ phát đáp của máy bay thể hiện loại máy bay và những chi tiết nhận dạng khác.

Radar sơ cấp do quân đội sử dụng chỉ thể hiện sự hiện diện của máy bay, không cung cấp những thông tin khác. Ông Rodzali nói rằng, máy bay phát tín hiệu lúc 2h15 phút sáng 8/3 được xác định là không thù địch tại thời điểm đó, nhưng ông không cung cấp thông tin chi tiết. Như vậy, chuyến bay MH370 biến mất khỏi radar thứ cấp lúc 1h30 sáng 8/3.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông vận tải, nói: “Hiện nay, chúng tôi phải tìm kiếm cả hai khu vực. Nếu biết chắc máy bay ở eo biển Malacca, chúng tôi sẽ đưa hết tàu thuyền, máy bay của chúng tôi sang đó”.

Indonesia và Thái Lan, hai nước nằm hai bên vùng bắc của eo biển Malacca, thông báo quân đội nước họ không phát hiện dấu hiệu nào của bất kỳ máy bay bất thường nào trên vùng trời của họ.

Theo Malay Mail Online, chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn đã kéo dài 5 ngày với sự tham gia của 42 tàu và 39 máy bay từ 12 quốc gia đã tỏa khắp vịnh Thái Lan và biển Đông, từ vùng eo biển Malacca sang biển Andaman, trên diện tích hơn 90.000 km2.

Một quan chức ngoại giao Ấn Độ xác nhận Malaysia đã nhờ nước này giúp đỡ tìm kiếm. Ấn Độ có bộ chỉ huy quân sự lớn ở biển Andaman và Nicobar cùng với các đội tuần tra hải quân ở eo biển Malacca.

Đến đêm qua, vẫn không có mảnh vỡ hay vết dầu loang nào trên biển Đông hay eo biển Malacca được chứng minh là liên quan máy bay mất tích. Tại Mỹ, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan nói rằng, không thể loại trừ khả năng khủng bố liên quan vụ việc, nhưng “vẫn chưa có tuyên bố nhận trách nhiệm” về vụ việc được xác nhận hay chứng thực.

Chạy đua với thời gian

Thiết bị định vị dưới nước trong hộp đen của máy bay sẽ tự động bật lên sau khi tai nạn xảy ra và phát ra tín hiệu dạng siêu âm. Tuy nhiên, đến hôm qua, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa bắt được tín hiệu nào. Lực lượng tìm kiếm không thu được tín hiệu nào phát ra từ máy phát định vị khẩn cấp (ELT) có tuổi thọ 24 giờ.

Phi công kiêm chuyên gia điều tra tai nạn máy bay David Newbery nói rằng, nếu hộp đen không được tìm thấy trong 30 ngày thì đội tìm kiếm đối mặt tình huống tương tự vụ mất tích chiếc máy bay của hàng không Pháp Air France trên nam Đại Tây Dương hồi tháng 6/2009.

“Đó là điều đã xảy ra với AF447, mãi 2 năm sau nó mới được tìm thấy sau một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn tiêu tốn nhiều triệu đô la Mỹ”, ông Newbery nói. Sau khi phân tích dữ liệu hộp đen của AF447, lỗi của phi công khi xử lý các cảm biến tốc độ bị trục trặc là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay.

Các hộp đen còn có thể được trang bị thiết bị phát tín hiệu vệ tinh để phát tín hiệu ngay cả sau khi pin hết, nhưng các hãng hàng không không hứng thú với giải pháp này vì chi phí đắt đỏ và nhạy cảm an ninh. Malaysia vài ngày trước xác nhận chiếc máy bay mất tích không có thiết bị truyền tín hiệu vệ tinh liên tục vì vấn đề chi phí.

TS Chi Tianhe, nhà nghiên cứu về công nghệ chụp ảnh vệ tinh ở Viện Khoa học Trung Quốc, nói rằng, khả năng giám sát theo thời gian thực của hệ thống vệ tinh Trung Quốc có khả năng sẽ được tăng cường sau vụ việc lần này. Ông Chi nói rằng, điều đáng tiếc nhất là Trung Quốc có đủ vệ tinh để giám sát một khu vực rộng lớn suốt ngày đêm, nhưng công việc này đã không được thực hiện.

Một số chuyên gia vệ tinh khác cho rằng, việc vệ tinh không phát hiện ra chiếc máy bay cho thấy khu vực đang tìm kiếm được xác định sai hoặc độ phân giải của hình ảnh vệ tinh không đủ cao.

Hãng hàng không Malaysia Airlines thông báo, họ đang nghiêm túc xem xét thông tin từ một nữ du khách Nam Phi nói rằng, cơ phó của chiếc Boeing mất tích từng mời cô và một bạn gái ngồi trong khoang lái trong một chuyến bay cách đây 2 năm.

 Ông Hugh Dunleavy, Giám đốc thương mại của Malaysia Airlines, nói với Reuters rằng, chưa có bằng chứng gì để đổ lỗi cho phi hành đoàn trong sự việc lần này.


MỚI - NÓNG