Sau nhiều lần hẹn, tôi mới có thể trò chuyện với anh Trần Đình Kỹ (sinh năm 1990) ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Dịp này, anh luôn tất bật với công việc để chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết. Tạm nghỉ tay, anh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, anh có điều kiện tiếp cận nhiều mô hình làm nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt, anh ấn tượng với một sản phẩm kẹo làm từ cây ngải cứu. Qua tìm hiểu, anh bất ngờ khi được biết loại cây ngải cứu để làm ra sản phẩm kẹo này lại có ở Việt Nam. “Bởi vậy, ngay từ những ngày còn lao động bên Hàn Quốc, tôi đã từng ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm từ cây ngải cứu”, anh Kỹ chia sẻ.
Mô hình khởi nghiệp từ cây ngải cứu giúp anh Kỹ thu về hàng tỷ đồng mỗi năm |
Năm 2017, anh Kỹ về nước. Mới đầu, anh mở cửa hàng bán quần áo. Công việc thuận lợi, anh phát triển thêm 3 - 4 cửa hàng quần áo. Tuy nhiên, đam mê làm nông nghiệp trong anh lại trỗi dậy. Anh quyết định đóng các cửa hàng quần áo để làm nông dân. Anh bắt tay vào thực hiện ý tưởng phát triển các sản phẩm thảo dược từ cây ngải cứu và quả bồ kết mà anh đã ấp ủ từ ngày còn đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc.
Vừa qua, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã tuyên dương anh Trần Đình Kỹ là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp năm 2023.
Anh Kỹ khăn gói tìm đến các thầy thuốc đông y ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi cách làm các sản phẩm thảo dược từ cây ngải cứu và quả bồ kết. Sau đó, anh về quê thuê đất trồng ngải cứu. Anh mất hơn 1 năm làm thử nghiệm các sản phẩm từ cây ngải cứu và quả bồ kết. “Tôi làm thử rất nhiều lần nhưng đều thất bại. Vài tấn ngải cứu và quả bồ kết đã phải bỏ đi vì sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu. Tôi phải mất hơn 1 năm làm thử nghiệm mới ra được sản phẩm ưng ý”, anh Kỹ cho hay.
Các sản phẩm thảo dược từ cây ngải cứu và quả bồ kết của anh Kỹ dần dần được nhiều người biết đến. Năm 2023, anh Kỹ mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, các sản phẩm của anh được tiêu thụ ở nhiều phòng khám, hiệu thuốc đông y ở trong và ngoài tỉnh. Hiện anh đang tập trung phát triển 4 - 5 dòng sản phẩm chính từ cây ngải cứu và quả bồ kết. Đó là dầu gội bồ kết, điếu hương bồ kết (dùng xông cho thơm nhà) và điếu ngải cứu (dùng trong đông y để châm cứu, bấm huyệt), nụ bồ kết, bột ngải cứu dùng ngâm chân. Tính ra, các sản phẩm thảo dược từ cây ngải cứu và quả bồ kết giúp anh thu về 2 - 3 tỷ đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho mình, mỗi năm, anh Kỹ còn tiêu thụ hàng chục tấn ngải cứu và quả bồ kết cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh để làm nguyên liệu sản xuất. Anh cung cấp hàng nghìn cây bồ kết giống để bà con trồng tạo vùng nguyên liệu. “Thời gian tới, khi việc sản xuất tiếp tục phát triển, tôi sẽ tập trung liên kết với bà con nông dân địa phương mở rộng diện tích trồng cây ngải cứu để chủ động vùng nguyên liệu và tạo việc làm cho người dân”, anh Kỹ chia sẻ.