Lúa thảo dược, gạo lứt rong biển, ốc gác bếp...
Từ những thuận lợi về diện tích canh tác, nguồn nhân lực sẵn có, anh Bạch Thanh Phú (trú xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã mạnh dạn khởi nghiệp với “Mô hình trồng lúa thảo dược tuần hoàn, chế biến nâng tầm giá trị nông sản”. Năm 2020, anh bắt đầu trồng thử nghiệm đầu tiên từ những giống lúa gạo lứt của Nam Định và An Giang với diện tích ban đầu 1.000 m2 gạo lứt đỏ, gạo lứt đen.
Để tránh việc được mùa mất giá và ngược lại, anh đã chủ động phát triển sản xuất chế biến gạo lứt thành các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và được thị trường ưa chuộng như gạo lứt đỏ, gạo lứt đen, thanh gạo lứt dinh dưỡng, cơm sấy gạo lứt, bột gạo lứt...
Sản phẩm khởi nghiệp của anh Bạch Thanh Phú được bày bán tại phiên chợ thanh niên do Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi tổ chức. |
Anh Phú cho biết, năm 2022, anh liên kết với một số hộ nông dân thành lập Công ty TNHH OLYSA Việt Nam, sản xuất các sản phẩm từ gạo lứt kết hợp với rong biển, trong đó có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi là Gạo lứt Oly và Thanh rong biển Oly.
Năm 2023, công ty của anh đưa ra thị trường 5 sản phẩm là gạo lứt đỏ, gạo lứt đen, thanh gạo lứt, thanh rong biển, trà gạo lứt. Bình quân mỗi tháng, công ty cung cấp khoảng 3.000 sản phẩm các loại, với doanh thu mỗi năm đạt 900 triệu đồng, bên cạnh đó tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương.
Gạo lức được chế biến thành các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và được thị trường ưa chuộng. |
“Định hướng năm 2024, từ nguồn vốn hỗ trợ của Tỉnh Đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tịnh, tôi sẽ từng bước nâng cấp dây chuyền sản xuất tự động để đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như lan tỏa giá trị sản phẩm của OLY đến với khách hàng trong tỉnh và ngoài tỉnh”, anh Phú nói.
Còn anh Lê Tấn Hoàng (35 tuổi, trú xã Bình Khương, huyện Bình Sơn) mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí, từng đi làm nhiều nơi nhưng vẫn ấp ủ ước mơ làm giàu bằng nông nghiệp trên quê hương mình. Năm 2018, anh quyết định bỏ ngành cơ khí về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc bươu đen trên diện tích ban đầu là 200m2.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình này, anh đã đầu tư, mở rộng diện tích lên 1.000m2. Gần đây, anh đã chế biến thành công món ốc bươu nhồi ống nứa, ốc gác bếp được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng với việc nuôi ốc thương phẩm, anh Hoàng tập trung sản xuất ốc giống xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Mô hình nuôi ốc bưu đen của anh Lê Tấn Hoàng. |
“Khi về quê khởi nghiệp, nhiều lần tôi thất bại vì chưa biết cách nuôi, chăm sóc ốc bươu đúng cách. Đến nay, mô hình nuôi ốc đã thành công, mang lại thu nhập cho bản thân và tạo được việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương. Dự kiến năm 2024, tôi sẽ mở rộng diện tích ao nuôi lên 2.000m2”, anh Hoàng chia sẻ.
Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi nhằm tập hợp, đoàn kết thanh niên trong tỉnh. Năm 2023, Tỉnh Đoàn triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong người trẻ.
Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và địa phương hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho hơn 600 thanh niên trong tỉnh khởi nghiệp. Nguồn vốn này đã tạo cơ hội giúp nhiều thanh niên phát triển sản xuất, phát huy nội lực, khai thác thế mạnh của địa phương để vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Cùng với việc nuôi ốc thương phẩm, anh Hoàng tập trung sản xuất ốc giống xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. |
Ngoài ra, tổ chức 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số trong các hoạt động khởi nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm cá nhân cho hơn 1.200 lượt thanh niên, hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tổ chức 8 phiên chợ Thanh niên kết nối sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với hơn 1.500 sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm địa phương của các huyện miền núi và Câu lạc bộ Khởi nghiệp tỉnh.
Anh Lê Văn Vin - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cho biết, trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xác định nhiệm vụ chính trị là đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp. Qua đó, đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ, đồng hành cùng với thanh niên trên con đường lập nghiệp, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế ở quê hương mình.
Từ đầu năm đến nay, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi đã tổ chức 8 phiên chợ thanh niên, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên. |
Theo anh Vin, năm 2024 là năm mà các cấp bộ đoàn chọn chủ đề “Năm thanh niên tình nguyện”.
Thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục duy trì những mô hình hay, cách làm hiệu quả từ cơ sở để triển khai, nhân rộng; gương khởi nghiệp tiêu biểu được tuyên truyền, tôn vinh đến thanh niên.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành triển khai các lớp bồi dưỡng, tập huấn, mời các chuyên gia để định hướng cho các bạn thanh niên đang khởi nghiệp, lập nghiệp, để các bạn có thêm những kiến thức làm nền tảng, hành trang vững bước hơn trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp của mình.