Tổ thảo luận do anh Trần Linh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An, Ủy viên Ban thư ký hội SVVN và anh Trần Công Khánh - Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Bí thư tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Vĩnh Long chủ trì. |
Cần sàn giao dịch ý tưởng khởi nghiệp
Thảo luận tại tổ, anh Huỳnh Tiến Đạt - Chủ tịch Hội SVVN tại Australia cho rằng, kiến thức, kinh nghiệm, và sự tự tin là hành trang căn bản để sinh viên bước vào thị trường lao động, thị trường khởi nghiệp, và đổi mới sáng tạo.
Theo anh Đạt, các buổi giao lưu văn hóa, hội thảo, toạ đàm đều là những hoạt động giao lưu có ích và mang lại kỷ niệm đáng nhớ đối với các bạn sinh viên. Tuy nhiên, cần bổ sung các cuộc thi học thuật vào các sự kiện giao lưu trong năm giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế.
“Sinh viên Việt Nam ngày nay đều đủ kiến thức, đủ tự tin và đủ quyết tâm để có thể cùng các sinh viên quốc tế thi những cuộc thi tranh luận, cuộc thi ngoại ngữ, hoặc các cuộc thi nghiên cứu”, anh Đạt nhấn mạnh.
Theo anh Đạt, vấn đề vốn là yếu tố quan trọng bậc nhất, cũng là rào cản chính trên con đường khởi nghiệp của sinh viên. Vì vậy, Văn kiện Đại hội nên làm rõ hơn về cách thức để sinh viên có thể tiếp cận được các nguồn vốn.
Anh Đạt cũng mong có sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp trực tuyến, chia sẻ các mô hình khởi nghiệp thành công; phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp hỗ trợ nguồn vốn, kinh nghiệm triển khai các ý tưởng khởi nghiệp trong thực tiễn, để có thể đóng góp những ý tưởng, cách làm hay với bạn bè trong nước.
Khởi nghiệp từ ý tưởng nhỏ
Anh Tôn Thất Lê Hoàn Thiện - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Huế cho rằng, vấn đề khởi nghiệp cho sinh viên không dễ thành công ngay mà phải có một quá trình, vì vậy, từng nội dung, hoạt động, cách làm phải thật sự chắc từng bước.
Trong chiến lược giúp sinh viên khởi nghiệp, không chỉ tạo ra các nhóm sinh viên khởi nghiệp trong cùng trường, mà còn kết hợp giữa các trường, để tận dụng thế mạnh của sinh viên các ngành khác nhau, đem lại hiệu quả cao nhất.
Đại học Huế cùng các đơn vị thành viên đang tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp nhằm phối hợp tổ chức các chương trình thực hành tại doanh nghiệp, ngày hội tuyển dụng. Tuy nhiên, anh Thiện cũng tin rằng, để thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong thời gian tới cần phải có những giải pháp mang tính tổng thể.
“Trong đó, trường học phải vừa là nơi trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng, sự trải nghiệm cũng như truyền cảm hứng để học sinh, sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp và trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp”, anh Thiện nói.
Đại biểu chia sẻ tại tổ thảo luận |
Theo anh Thiện, để khởi nghiệp, điều kiện tiên quyết cần có “vốn” bao gồm: tài chính, giáo dục, mối quan hệ và uy tín. Trên thực tế, do đặc thù kinh tế của khu vực miền Trung, sinh viên ở ĐH Huế trong giai đoạn học tập thiếu khá nhiều về môi trường thực hành trong các doanh nghiệp. Do đó, Đại học Huế có các đề án để xây dựng các phòng thực hành chế tạo, nhằm tạo thêm môi trường để sinh viên có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn.
Chị Nguyễn Minh Uyên - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM, Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ, khởi nghiệp cho sinh viên không phải là vấn đề lớn lao, vĩ mô mà có thể bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ; dự án nghiên cứu khoa học. Lấy ví dụ ở trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhóm sinh viên nghiên cứu dự án giáo dục giới tính cho học sinh THCS đạt giải thưởng; hay dự án làm phấn từ vỏ trứng gà… có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Nhìn thẳng vào thực tế, các đại biểu cũng thừa nhận, không ít sinh viên chưa tự tin, cảm thấy khởi nghiệp là vấn đề quá sức. Điều kiện kinh tế, môi trường không đáp ứng, nguồn lực hỗ trợ sinh viên còn khó khăn… là rào cản khiến các bạn chùn bước, sợ thất bại. Do đó, đại biểu mong muốn tổ chức Hội Sinh viên không chỉ tạo môi trường, điều kiện mà còn là cầu nối kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa sinh viên trong vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Hội liên kết và phát huy được tính cộng đồng của Sinh viên 5 tốt sau khi được tuyên dương để các bạn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cũng như truyền cảm hứng cho các lớp sinh viên kế cận.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ có chủ đề “Sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp”. |
"Sân chơi" sinh viên khởi nghiệp
Chia sẻ tại tổ thảo luận số 9, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương - Phó GĐ Học viện Ngân hàng khẳng định, đơn vị coi trọng vấn đề khởi nghiệp của sinh viên. Ngoài 41 CLB hoạt động sôi nổi từ chuyên môn đến các văn hoá, thể thao, nhà trường cũng liên tục tổ chức các kỳ thi liên quan khởi nghiệp, thu hút đông đảo sinh viên. Điển hình năm qua, số lượng đề tài khởi nghiệp rất lớn, Học viện đã lựa chọn hơn 30 dự án tham gia dự thi vòng chung kết để tham gia chương trình cấp Bộ.
PGS. TS Nguyễn Thanh Phương cho rằng, để có “sân chơi” cho sinh viên khởi nghiệp cần rất nhiều yếu tố, trong đó có “tiền”, con người và liên kết doanh nghiệp, đối tác. Con người ở đây đó là sự quan tâm của lãnh đạo quản lý, chuyên gia cố vấn từ các ban chuyên môn để nâng cao năng lực, sự tự tin cho sinh viên.
Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện để sinh viên tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, đồng thời có cơ chế cộng điểm các môn học liên quan cho người được giải. Nhờ đó, qua các năm, tại Học viện, số lượng đề tài tham gia càng nhiều, có sự đầu tư công phu, có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Vấn đề thu hút doanh nghiệp, đối tác quan tâm đến các ý tưởng, dự án của sinh viên cũng là điều rất quan trọng. “Và yếu tố cuối cùng, không thể thiếu đó là tiền để tổ chức các hoạt động. Tại Học viện Ngân hàng, mỗi cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thường chi mức 150 - 200 triệu”, PGS Phương nói.