Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Tổ chức đã xây dựng chương trình gồm 10 tổ thảo luận, tập trung góp ý vào Báo cáo chính trị của Đại hội và 10 chủ đề trọng tâm của công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam. Đây là cơ hội để các bạn hội viên, sinh viên, cán bộ Hội sinh viên cả nước được trao đổi, thảo luận, nêu quan điểm, đề xuất giải pháp vì mục tiêu nâng cao công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.
Tổ thảo luận số 2 với chủ đề "Sinh viên nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, thể chất". |
Tham dự phiên thảo luận số 2 tại trường ĐH Mở Hà Nội có các đồng chí Đỗ Tuấn Hanh - Phó Trưởng Ban Thanh niên công nhân và đô thị Trung ương Đoàn; TS. Dương Thăng Long - Phó Bí thư Đảng uỷ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội và các đồng chí cán bộ, chuyên viên các ban, đơn vị Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, BTC cho biết, để các nội dung thảo luận được hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, các đại biểu tích cực nghiên cứu và phát biểu ý kiến, trong đó tập trung vào chủ đề: "Sinh viên nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, thể chất”, đi sâu vào các nội dung: Tầm quan trọng của sức khỏe thể chất và tinh thần xây dựng ý thức tự rèn luyện thể dục, thể thao; các giải pháp tạo môi trường giúp sinh viên nâng cao sức khỏe thể chất, đời sống, nâng cao sức khỏe tâm thần của sinh viên;…
Đồng chí Trần Đăng Minh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và đồng chí Trần Văn Đăng - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Bắc Ninh chủ trì tổ thảo luận |
Các đại biểu sinh viên các tỉnh tham gia, đóng góp tại thảo luận. |
"Sinh viên là đại sứ vùng miền, đại sứ văn hóa của đất nước"
Đóng góp vào tham luận, đại biểu đại điện cho Hội Sinh viên tỉnh Nghệ An cho biết: "Vững bản sắc là một trong bốn khẩu hiệu hành động đề ra trong Đại hội XI, sinh viên chính là đại sứ văn hóa của đất nước cũng chính là đại sứ văn hóa của vùng mình mình sinh sống, chúng ta nên tập trung khai thác văn hóa trong đời sống sinh viên, chúng ta nên xem ở trường đã có những câu lạc bộ văn hóa hay chưa và đã phát triển như thế nào?"
"Nghệ An có làn điệu ví dặm nổi tiếng và mang bản sắc vùng miền nhưng chưa có những câu lạc bộ sinh hoạt về loại hình văn hóa này. Có nhiều nguyên do, có thể do độ tuổi chưa phù hợp nhưng có thể tổ chức các câu lạc bộ, chương trình tiếp xúc các loại hình bằng nhiều cách khác nhau để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho sinh viên", đại biểu nói thêm.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, thể chất. |
Đối với "Vững bản sắc", đại biểu Hội Sinh viên tỉnh Vĩnh Long đóng góp mong muốn hội sinh viên sẽ có những ngày hội với những trò chơi dân gian có cơ hội hiểu rõ hơn truyền thống văn hóa cũng như là cơ hội để các bạn sinh viên thể hiện lòng yêu nước của mình.
Đại biểu đại diện Hội Sinh viên tỉnh Bạc Liêu cho biết Bạc Liêu là "quê hương" của bài Dạ cổ hoài lang, và UNESCO đã công nhận Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể. "Để duy trì và phát triển loại hình này, chúng tôi thường xuyên phối hợp với sở văn hóa để tổ chức các lớp tập huấn về hát Đờn ca tài tử, vọng cổ... cho các bạn đoàn viên, sinh viên. Đây cũng là cách chúng tôi nâng cao đời sống tinh thần gắn liền với truyền thống văn hóa địa phương. Tôi cũng đề xuất hội sinh viên tổ chức sân chơi văn hóa từng vùng miền cho sinh viên để duy trì nét truyền thống", đại biểu này chia sẻ.
Giải tỏa áp lực, tâm lý cho sinh viên
Đóng góp tại phiên thảo luận, đại biểu Thái Hoàng Phố - Ủy viên Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khoá XI, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết, đời sống tinh thần của các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên khối ngành Y Dược đang ở tình trạng báo động, nếu không được quan tâm, điều chỉnh một cách kịp thời rất dễ xảy ra những suy nghĩ và hành động đáng tiếc.
Để nâng cao đời sống tinh thần cho sinh viên, đại biểu Phố chia sẻ một số biện pháp đã áp dụng tại trường Đại học Y Dược Thái Bình: "Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm về tâm lý học đường dành cho sinh viên; giúp sinh viên tiếp cận các vấn đề tâm linh một cách linh hoạt, trực quan hơn. Tại các buổi nói chuyện, chúng tôi đã kết hợp với Đoàn, các chuyên gia tâm lý đến và chia sẻ với các bạn sinh viên. Các bạn sinh viên được trải lòng với những về đề tâm lý gặp phải tại trường cũng như trong đời sống xã hội bên ngoài, đồng thời các chuyên gia sẽ phân tích nguyên nhân và đưa ra các hướng cụ thể".
Nhận thấy nguyên nhân hàng đầu gây ra những rối nhiễu tâm lý, stress cho sinh viên là nhu cầu hoạt động và giao tiếp xã hội không được đáp ứng, đại biểu Phố cho biết, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trường chỉ đạo các câu lạc bộ thuộc nhóm văn hóa, văn nghệ thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, các show ca nhạc theo tuần, theo tháng, tạo sân chơi giải trí, thư giãn tinh thần cho sinh viên.
"Không dừng lại ở đó, chúng tôi tạo cho các bạn sinh viên môi trường để các bạn thỏa sức phát triển đam mê, ý tưởng của bản thân. Để một chương trình đồng thời giải quyết được ít nhất 2 mục tiêu trở lên và ưu tiên là tạo môi trường cho sinh viên phát triển năng động, toàn diện trong đời sống. Sinh viên không những khỏe thể chất và còn vững tinh thần", đại biểu Phố chia sẻ.
Đại biểu hội sinh viên tỉnh Bình Dương chia sẻ, bản thân là sinh viên năm 2 cũng cảm thấy rất ít được tham gia những hoạt động về cuộc sống tinh thần, tâm lý của sinh viên trong quá trình học tập.
"Về vấn này, hội sinh viên trường tạo ra các hội nhóm, mô hình để phóng vấn, quan tâm đến khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống sinh viên. Tiếp đó, mình đưa ra những giải pháp, tạo các buổi workshop, chuyên đề nói thẳng các vấn đề tâm lý cho các bạn sinh viên", đại biểu này chia sẻ.
Đồng thời, đại biểu Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương đề xuất tạo ra các mô hình bằng những cổng thông tin để các bạn sinh viên chia sẻ. Từ đó, gom lại những vấn đề chung về giới tính, mâu thuẫn gia đình, hoàn cảnh... đưa ra những giải pháp cho các bạn sinh viên.