“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống
Hướng tới lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024), ngày 25/4, hàng trăm đoàn viên, thanh niên đã xã An Dân đã đến di tích Thành An Thổ (thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) để dâng hương, tưởng nhớ người con ưu tú của Đảng. Các bạn trẻ chia thành từng nhóm nhỏ thực hiện công tác chăm sóc cây xanh, vệ sinh cảnh quan, chỉnh trang khu vực dâng hương.
Các đoàn viên, thanh niên xã An Dân đến tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú tại Di tích Thành An Thổ. |
Trên gương mặt mỗi người đều hiện rõ sự nghiêm túc, tự hào khi được góp sức trẻ, bày tỏ lòng tri ân đến người con ưu tú của Đảng. Tỉ mỉ lau từng hình ảnh, hiện vật về đồng chí Trần Phú, bạn Trần Văn Thành (đoàn viên xã An Dân) chia sẻ: “Em vô cùng tự hào khi được sinh ra và lớn lên ngay tại nơi sinh của cố Tổng Bí thư Trần Phú. Em sẽ cố gắng học tập, noi gương thế hệ đi trước để góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Đoàn viên xã An Dân dâng hương tưởng niệm đồng chí Trần Phú tại Di tích Thành An Thổ. |
Nơi đây cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, là niềm tự hào đối với mỗi người con Phú Yên giới thiệu với bạn bè phương xa. Chị Trần Thị Hà Dung - Bí thư Đoàn xã An Dân, cho biết: Di tích Thành An Thổ là “địa chỉ đỏ” mà địa phương luôn quyết tâm giữ gìn và lan tỏa cho thế hệ trẻ. Những tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến đồng chí Trần Phú được trưng bày rất phong phú, hấp dẫn.
Chị Trần Thị Hà Dung (ảnh phải, Bí thư Đoàn xã An Dân) giới thiệu về truyền thống cho học sinh trong xã tại Di tích Thành An Thổ. |
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chương trình về nguồn tại đây để giáo dục lịch sử cho các bạn đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, hun đúc trong mỗi bạn trẻ tại xã An Dân niềm tự hào là nơi sinh ra của đồng chí Trần Phú. Hướng tới lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú, chúng tôi đã tổ chức cho các bạn trẻ đến làm vệ sinh, tham quan tại khu di tích và dâng hương tưởng nhớ đồng chí Trần Phú”, chị Dung nói.
Trước khu tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú, tuổi trẻ Phú Yên thành kính dâng hoa, thắp nến tri ân người chiến sĩ mẫu mực, kiên trung đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng. Bạn Phạm Nguyễn Quỳnh Như (học sinh Trường THCS Lê Thánh Tôn, xã An Dân) xúc động bày tỏ: “Sau khi được tìm hiểu qua những tư liệu, hình ảnh, em rất ngưỡng mộ về cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp và sự hy sinh anh dũng của cố Tổng Bí thư Trần Phú. Em xin hứa sẽ ra sức học tập để phục vụ quê hương tươi đẹp”.
Ngôi trường mang tên cố Tổng Bí thư
Theo chỉ đạo của Ty Giáo dục Phú Khánh cũ, kể từ năm học 1977- 1978, các trường cấp 3 trong toàn tỉnh được phép mang tên danh nhân lịch sử dân tộc thay cho tên địa phương để giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh. Vì thế, thầy Nguyễn Văn Nghĩa - nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT Trần Phú, đề xuất lấy thay tên trường Cấp 3 Tuy An thành Trường Cấp 3 Trần Phú. Vào tháng 8/1977, UBND tỉnh Phú Khánh cũ cho phép trường Cấp 3 Tuy An được mang tên đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Lập giới thiệu về Trường THPT Trần Phú bên tượng đồng chí Trần Phú. |
Ông Nguyễn Tấn Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, chia sẻ: “Một sự trùng hợp ngẫu nhiên và mang tính lịch sử sâu sắc, vào tháng 10/1977, UBND huyện Tuy An công bố thông tin đồng chí Trần Phú cất tiếng khóc chào đời vào ngày 1/5/1904 tại làng An Thổ, xã An Dân. Thầy và trò nhà trường vô cùng phấn khởi, vui mừng cùng với sự chia sẻ của lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục và địa phương. Từ đây, một ngôi trường trung học phổ thông đầu tiên của huyện Tuy An chính thức mang tên đồng chí Trần Phú”.
Trong thời gian qua, Ban giám hiệu Trường THPT Trần Phú đã tổ chức nhiều hoạt động về thăm nơi sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú ở Thành An Thổ để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Ông Nguyễn Tấn Lập cho biết: Vào 4/3 vừa qua, Đảng uỷ Trường THPT Trần Phú đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú cho học sinh toàn trường. Trong tháng 3/2024, trường đã tổ chức cho 100 học sinh khối 10 và 11 đi về “địa chỉ đỏ” Thành An Thổ. Tại đây, học sinh được nghe giáo viên nói về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú và Di tích lịch sử cấp quốc gia Thành An Thổ.
Học sinh Trường THPT Trần Phú đi tìm hiểu về lịch sử địa phương tại Di tích Thành An Thổ. |
Ngoài ra, học sinh trường THPT Trần Phú còn xây dựng video nói về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Trần Phú. Mỗi lớp hoặc chi đoàn xây dựng một sản phẩm và kết quả các hoạt động sẽ được trao thưởng vào đầu tháng 5/2024. “Thông qua các hoạt động thiết thực và trải nghiệm tại Di tích Thành An Thổ, học sinh được giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương. Từ đó, phát huy tinh thần tự hào dân tộc, góp phần cống hiến công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới”, ông Lập nói.
Ông Hồ Ngọc Thanh - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Tuy An, chia sẻ: “Từ khi di tích thành An Thổ được tu bổ, tôn tạo đã phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của khách tham quan và học sinh, sinh viên. Đây là 'địa chỉ đỏ' thu hút du khách và người dân đến dâng hương, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Phát huy truyền thống văn hóa cách mạng, tự hào là nơi sinh cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, huyện Tuy An đang ngày càng vươn lên, thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, xây dựng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực để thế hệ trẻ học tập, noi gương đồng chí Trần Phú”.