THẾ GIỚI 24H: Ukraine quyết tâm gia nhập NATO

THẾ GIỚI 24H: Ukraine quyết tâm gia nhập NATO
TPO - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 30/6, khẳng định vấn đề gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev không thể được tính bằng ngày mà sẽ cần tới 6-7 năm để đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn bắt buộc.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Corriere della Sera, ông Poroshenko nói: "Chúng tôi đang làm việc để cải cách cơ bản các lĩnh vực kinh tế, xã hội và hành chính của đất nước. Sẽ cần tới ít nhất 6-7 năm nỗ lực để đáp ứng tiêu chuẩn thành viên NATO. Khi chúng tôi sẵn sàng sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc liệu chúng tôi có nên gia nhập liên minh quân sự này hay không”. Tổng thống Ukraine cũng nêu rõ quan điểm "không có một hệ thống nào khác trên thế giới đủ khả năng đảm bảo an ninh như NATO".


Ngày 30/6, Ukraine thông báo sẽ ngay lập tức ngừng mua khí đốt của Nga sau khi cuộc đàm phán về giá khí đốt do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian đổ vỡ.

Công ty năng lượng nhà nước Naftogaz của Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục trung chuyển khí đốt của Nga tới các khách hàng ở châu Âu. Công ty này ra tuyên bố cho hay: "Vì thỏa thuận bổ sung giữa Naftogaz và Gazprom sẽ hết hiệu lực trong ngày 30/6 và các điều khoản về cung cấp thêm khí đốt của Nga cho Ukraine đã không được nhất trí tại cuộc đàm phán 3 bên ở Vienna, Naftogaz sẽ ngừng mua khí đốt từ công ty Nga”.


Đại sứ Trung Quốc ở Nga Li Hui ngày 30/6 cho biết, Trung Quốc mong phát triển hợp tác quân sự-kỹ thuật với Nga, nhưng không định lập bất cứ liên minh quân sự nào.

“Trung Quốc mong muốn phát triển sự hợp tác toàn diện và sâu sắc với Nga, bao gồm cả hợp tác quân sự-kỹ thuật, nhằm không ngừng tăng cường sự hợp tác thiết thực giữa hai quốc gia (cũng như tăng cường) sự giao lưu thân thiện giữa nhân dân hai nước”, Đại sứ Li Hui nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với RIA Novosti.

Ông Li nhấn mạnh, Moscow và Bắc Kinh “không có kế hoạch thiết lập liên minh quân sự dưới bất kỳ hình thức nào, còn hợp tác quân sự giữa hai nước đang phát triển phù hợp với các chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế và không nhằm chống lại quốc gia thứ ba, cũng như không động chạm tới lợi ích của nước thứ ba”.


Cố vấn chiến lược cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Moshe Yaalon, ông Amos ngày 30/6 cho biết, Tổng thống Syria Bashar al-Assad giờ đây chỉ kiểm soát 1/5 nước Syria và có thể sẽ chỉ có trong tay các tỉnh nhỏ.

“Syria đã không còn”, ông Gilad phát biểu trước môt cuộc họp được tổ chức bởi Bộ Quốc phòng. “Syria sẽ biến mất. Cái chết này đã được dự báo trước. Người có tên Bashar al-Assad này sẽ đi vào lịch sử với tư cách là kẻ làm mất nước Syria”. “Cho đến nay, ông ta đã để mất 75% lãnh thổ Syria. Ông ta thực tế chỉ kiểm soát 1/5 đất nước của mình”, ông Gilad nói thêm. “Tương lai của công cũng rất mù mịt và có thể ông ta sẽ trở thành thống đốc tỉnh lẻ nào đó”.


Ngày 30/6, Hy Lạp đã đưa ra đề xuất về một thỏa thuận cứu trợ 2 năm với Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng, chỉ vài giờ trước khi gói cứu trợ của Athens hết hạn. Đây được xem là nỗ lực cuối cùng của Athens nhằm giải quyết bế tắc trong đàm phán với các chủ nợ.

Trong một thông cáo, Chính phủ nước này đã đề xuất một thỏa thuận 2 năm với Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính của Athens, và nhằm tái cấu trúc nợ đồng thời. Đề xuất này của Hy Lạp được đưa ra trước bối cảnh hạn chót gói cứu trợ dành cho Hy Lạp gần kề, cũng là thời điểm quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này đáo hạn khoản vay 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD) đối với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).


Nga bày tỏ thất vọng về việc Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt mới do vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ có hình thức đáp trả.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich ngày 30/6 nói: "Các biện pháp trừng phạt mới sẽ chỉ tác động tiêu cực thêm cho quan hệ Nga-Canada vốn chưa thể bước vào giai đoạn tốt đẹp nhất do phía Ottawa”. Ông cảnh báo: "Lẽ tất nhiên, sẽ không có chuyện bỏ qua cho hành động tấn công này."


Ngày 30/6, một quan chức cấp cao giấu tên của Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ và Cuba sẽ thông báo thời điểm mở lại các đại sứ quán ở thủ đô mỗi nước trong ngày 1/7. Đây được xem là một bước tiến dài trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau hơn nửa thế kỷ đối địch. 


Phiến quân IS ngày 30/6 bất ngờ tấn công bất ngờ thị trấn biên giới Tal Abyad,  đánh chiếm một số nơi và đọ súng ác liệt với chiến binh người Kurd. Cuộc tấn công Tal Abyad giống như một cuộc tấn công bất ngờ của phiến quân IS ngày 25/6 vào thành phố biên giới Kobane, nơi các lực lượng người Kurd được sự  hỗ trợ của các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu đánh đuổi phiến quân IS hồi tháng 1/2015. Hai cuộc tấn công dã man nói trên cho thấy khả năng phục hồi của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS và báo hiệu một sự thay đổi trong chiến thuật của nhóm này sau một chuỗi thất bại trước lực lượng dân quân người Kurd.


Người phát ngôn Không quân Indonesia tối ngày 30/6 cho biết, số thi thể được tìm thấy tại hiện trường chiếc máy bay vận tải quân sự Hercules C-130 rơi và bốc cháy ở thành phố Medan, đảo Sumatra, miền Tây nước này đã lên tới con số 74.

Trong khi đó, giới chức Indonesia nói rằng họ lo ngại số người thiệt mạng có thể lên tới 116 người. Trước đó, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tư lệnh Không quân Indonesia, Agus Supriatna cho biết có tổng cộng 113 người trên máy bay gặp nạn


Ngày 30/6, Liberia thông báo virus Ebola gây chết người đã xuất hiện trở lại nước này sau trường hợp một nam thanh niên tử vong. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Liberia Tolbert Nyensuah cho biết bệnh nhân nam 17 tuổi này có xét nghiệm dương tính với virus Ebola và đã tử vong tại Nedowian, một làng nằm cạnh sân bay quốc tế, cách khoảng 1 giờ lái xe từ thủ đô Monrovia. Phát biểu trên đài phát thanh công cộng, ông Nyensuah cho biết các chuyên gia đang điều tra để truy tìm nguồn gốc của ca tử vong mới nhất vì Ebola này và cách ly bất kỳ ai từng tiếp xúc với bệnh nhân.

MỚI - NÓNG