Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hội thảo "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu" do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức hôm nay (4/5).
Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận các nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

PGS.TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa cho biết, bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn và đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam, để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bán dẫn.

Ông Năng cho rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ. Theo đó, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa 3 “Nhà” là các cơ quan nhà nước – các viện, trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành, là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.

Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 2

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ, thảo luận đào tạo nhân lực bán dẫn chuẩn quốc tế cho thị trường trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đây là dịp để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tiên phong trong lĩnh vực này cùng lắng nghe ý kiến của nhau và bàn định để có những bước đi cần thiết, bài bản, vừa chuẩn bị chiến lược phát triển phát triển ngành vi mạch bán dẫn nói chung và nguồn nhân lực của ngành nói riêng.

Đề cập đến 6 công đoạn của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó một số công đoạn đang được giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ, ông Trần Hồng Hà cho rằng, những nước đang phát triển như Việt Nam cần có bước đi, nhìn nhận thấu đáo, kỹ lưỡng để có cách tiếp cận hợp lý, hiệu quả, tham gia ngày càng sâu vào mọi công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn. Điều đó đòi hỏi chiến lược đào tạo nhân lực bài bản với yêu cầu đầu tư, chất lượng khác nhau.

“Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn dựa trên thế mạnh của mình”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng cùng với nguồn nhân lực trong nước, Việt Nam còn có nguồn tài nguyên quý giá là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhân sự quản lý cấp cao là người Việt đang làm việc tại những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong ngành vi mạch bán dẫn.

“Trong xu thế chuyển dịch chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, công tác đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn không chỉ phục vụ Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhu cầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam mà cần nằm trong bài toán tổng thể của ngành vi mạch bán dẫn, công nghiệp điện tử toàn cầu”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Phó Thủ tướng nêu rõ, việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế. Mỗi công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn cần dự báo, đánh giá nhu cầu nhân lực của thị trường trong nước, thế giới, cũng như xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp điện tử.

Với mối liên hệ chặt chẽ giữa công nghiệp bán dẫn với nghiên cứu cơ bản, triển khai, chuyển giao, ứng dụng sản xuất, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà quản lý, các tổ chức ngoại giao, đơn vị đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận, đóng góp, đề xuất của về xu thế, cơ hội, giải pháp để Việt Nam có thể giải được bài toán nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn.

Đồng thời nhấn mạnh, ngành công nghiệp bán dẫn rất cần những người thầy về ý tưởng, lý thuyết, thực tiễn, thực hành,… nếu muốn đào tạo hàng chục ngàn lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các khóa đào tạo và chương trình huấn luyện chuyên sâu, tạo điều kiện, môi trường để các giảng viên chuyển đổi, đào tạo lại, củng cố chương trình đào tạo cơ bản.

MỚI - NÓNG