Bằng chứng về tác dụng phụ của vắc xin COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca đang vướng vào một vụ kiện tập thể liên quan đến vắc xin COVID-19. Công ty thừa nhận vắc xin này có thể gây đông máu kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu (TTS). Một nghiên cứu quy mô lớn tìm ra sự liên quan giữa vắc xin của các hãng khác với một số bệnh hiếm gặp.

Báo The Telegraph đưa tin ngày 28/4, AstraZeneca đã viết trong tài liệu pháp lý nộp lên Tòa án Tối cao Vương quốc Anh vào tháng 2: “Điều được thừa nhận là vắc xin AstraZeneca, trong một số trường hợp rất hiếm, có thể gây ra TTS. Cơ chế nhân quả chưa được biết rõ”.

Bằng chứng về tác dụng phụ của vắc xin COVID-19 ảnh 1

Trên 70% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19. Ảnh: PA

Tổng cộng 51 vụ kiện đã được các nạn nhân và gia đình họ đệ trình lên Tòa án Tối cao ở Anh. The Telegraph đưa tin, các nguyên đơn đòi bồi thường 100 triệu bảng.

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được đưa ra thị trường với tên thương mại Covishield và Vaxzevria. Vắc xin này do AstraZeneca và Đại học Oxford điều chế, được Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất. Covishield được tiêm chủng rộng rãi ở hơn 150 quốc gia.

Một số nghiên cứu được thực hiện trong thời kỳ đại dịch cho thấy vắc xin này đạt hiệu quả từ 60 - 80% trong việc bảo vệ chống lại virus corona mới. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng Covishield có thể khiến một số người bị đông máu, dẫn đến tử vong.

Tháng 4/2021, ủy ban an toàn của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) báo cáo rằng việc tiêm vắc xin này liên quan đến tình trạng đông máu trong não, bụng và động mạch cũng như giảm tiểu cầu. Vào thời điểm đó, EMA và Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh khẳng định lợi ích của vắc xin lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn và khuyến khích mọi người nên tiêm chủng.

AstraZeneca thừa nhận nguy cơ vắc xin gây TTS sau 1 năm đấu tranh pháp lý để chống lại vụ kiện. Theo Telegraph, đơn kiện đầu tiên được nộp lên toà vào năm 2023, khi một bệnh nhân cho rằng việc tiêm vắc xin khiến anh bị tổn thương não vĩnh viễn do máu đông và chảy máu trong não.

Theo báo cáo ngày 29/4 từ Tòa án và Cơ quan Tư pháp Vương quốc Anh, cái chết của một bệnh nhân 28 tuổi là trường hợp mới nhất liên quan đến tác dụng phụ gây đông máu do vắc xin của AstraZeneca. Báo cáo kết luận bệnh nhân tử vong do huyết khối xoang tĩnh mạch não và giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vắc xin COVID-19 gây ra.

Các bệnh thần kinh và tim

Hai tác dụng phụ đặc biệt hiếm gặp của vắc xin COVID-19 là rối loạn thần kinh và viêm tủy sống gần đây được các nhà khoa học phát hiện trong nghiên cứu quy mô lớn nhất từ trước đến nay về vắc xin, The Guardian đưa tin.

Các nhà nghiên cứu thuộc Mạng Dữ liệu vắc xin toàn cầu đã sử dụng dữ liệu chăm sóc sức khỏe điện tử định danh để so sánh tỷ lệ mắc 13 bệnh về não, máu và tim ở những người đã tiêm vắc xin Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca để so sánh với giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch. Mạng Dữ liệu vắc xin toàn cầu là thành viên của Dự án Mạng lưới an toàn vắc xin (VSN) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nghiên cứu sử dụng dữ liệu y tế của hơn 99 triệu người ở Úc, Argentina, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, New Zealand và Scotland.

Nghiên cứu phát hiện với mức độ chính xác cao về sự liên quan giữa vắc xin được bào chế bằng phương pháp mRNA (Pfizer và Moderna) và những tác dụng phụ hiếm gặp, gồm viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.

Nghiên cứu xác nhận hội chứng Guillain-Barré (hệ miễn dịch tấn công các dây thần kinh) và huyết khối xoang tĩnh mạch não (một loại cục máu đông trong não) là những tác dụng phụ hiếm gặp liên quan đến vắc xin AstraZeneca. Ngoài ra, một tác dụng phụ khác là bệnh viêm não tủy lan tỏa cấp tính (tình trạng viêm và sưng ở não và tủy sống) cũng được phát hiện khi các nhà khoa học phân tích dữ liệu liên quan đến vắc xin AstraZeneca.

Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí quốc tế Vaccine vào tháng 2 năm nay.

GS Jim Buttery, đồng giám đốc Mạng Dữ liệu vắc xin toàn cầu, cho biết phát hiện này đã thôi thúc các nhà nghiên cứu xác nhận độc lập tác dụng phụ của vắc xin bằng cách thực hiện nghiên cứu thứ hai. Lần này phân tích một tập dữ liệu riêng biệt về 6,8 triệu người Úc đã tiêm vắc xin AstraZeneca.

Nghiên cứu thứ hai không chỉ xác nhận viêm não tủy lan tỏa cấp tính là một tác dụng phụ hiếm gặp mà một lượng lớn dữ liệu về AstraZeneca giúp các nhà khoa học phát hiện tác dụng phụ hiếm gặp thứ hai: viêm tủy cắt ngang hoặc viêm tủy sống.

Kết quả nghiên cứu của Úc đã được công bố trên tạp chí Vaccine. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm não tủy lan tỏa cấp tính là 0,78 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin và bệnh viêm tủy cắt ngang là 1,82 trường hợp trên 1 triệu liều.

GS Buttery, nhà phân tích cấp cao của Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch ở Úc, cho biết: “Không có thử nghiệm lâm sàng nào đủ quy mô để trả lời những câu hỏi đó và vì vậy chúng tôi chỉ tìm ra câu trả lời khi vắc xin được đưa vào tiêm chủng diện rộng”.

Cũng theo chuyên gia này, nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim khi nhiễm COVID tự nhiên còn cao hơn so với việc tiêm vắc xin. Ông cho biết, cả hai biến chứng đều nghiêm trọng nhưng bệnh nhân thường khỏi bệnh.

Các con số

Theo thống kê của dự án Our World in Data thuộc ĐH Oxford, hơn 5,55 tỷ người trên thế giới đã được tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19, tương đương 72,3% dân số thế giới. Từ cuối năm 2021, nhiều quốc gia bắt đầu tiêm mũi bổ sung khi tác dụng của vắc xin giảm dần. Hơn 2,72 tỷ liều vắc xin được tiêm bổ sung trên khắp thế giới.

Trong thông cáo báo chí đưa ra tháng 11/2021, AstraZeneca cho biết hai tỷ liều vắc xin của họ đã được cung cấp cho các quốc gia trên thế giới trong chưa đầy 12 tháng sau lần phê duyệt đầu tiên. Đến năm 2022, gã khổng lồ dược phẩm cho biết đã phân phối khoảng 102 triệu liều vắc xin thông qua chương trình COVAX trong quý 4/2022.

MỚI - NÓNG