Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp được đưa ra chỉ vài giờ trước khi gói cứu trợ của nước này hết hạn vào nửa đêm. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói rằng, Athens sẽ không trả tiền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong ngày 30/6.
Chính phủ Hy Lạp nhấn mạnh rằng, quyết định tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 5/7 về dự thảo thỏa thuận với các chủ nợ “không phải sự chấm dứt cho đàm phán”, mà nước này sẽ tiếp tục ngồi vào bàn thương lượng, Reuters dẫn thông báo của chính phủ Hy Lạp.
Kịch bản nào dành cho Hy Lạp?
Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất sửa đổi cho Hy Lạp vào cuối ngày 29/6. Nhưng Hy Lạp trả lời bằng đề xuất xử lý nợ trong 2 năm dưới Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - cơ chế của các quốc gia khu vực đồng euro (eurozone) nhằm mục đích ổn định khu vực. Việc Hy Lạp không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính với IMF lần thứ hai chỉ trong một tháng, không thể thanh toán 1,5 tỷ euro tiền vay IMF có thể dẫn đến quy trình phá sản chính thức trong vài tuần tới. Trang tin Mỹ Huffington Post liệt kê 4 kịch bản chờ đợi Hy Lạp.
Vỡ nợ nhưng vẫn ở lại eurozone. Trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải quyết định xem có nên hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng nước này hay không. Nếu ECB đồng ý cho Hy Lạp vay thêm tiền, các nhà băng có thể trụ lại được một thời gian nữa. Đến nay, ECB đã giải ngân tất cả các quỹ khẩn cấp cho Hy Lạp, với tổng số tiền 89 tỷ euro.
Rời khỏi eurozone, quay lại với đồng nội tệ. Nếu ECB không tiếp tục cho vay, họ sẽ phải rời eurozone và tự phát hành đồng nội tệ. Một số nhà kinh tế học như nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Paul Krugman lại cho rằng, Hy Lạp sẽ có lợi ích dài hạn khi vỡ nợ và trở lại dùng đồng drachma. Họ cho rằng, nước này có thể phá giá nội tệ và phục hồi tăng trưởng dựa trên xuất khẩu, cũng như khôi phục quỹ cho các chương trình phúc lợi. Dù vậy, họ cũng thừa nhận, các chủ nợ châu Âu sẽ mất trắng tiền nếu để Hy Lạp ở lại eurozone.
Rời eurozone và dùng song song hai loại tiền. Hy Lạp sẽ phát hành nội tệ song song với euro. Đồng drachma sẽ được dùng để trả lương cho người lao động, giúp chính phủ có nhiều euro hơn để trả cho các chủ nợ nước ngoài. Việc này thực chất là chính phủ “vay tiền” từ người lao động để trả nợ công. Vấn đề là chính phủ của Thủ tướng Tsipras cần phải thuyết phục được người dân chấp nhận việc này. Hệ thống hai tiền tệ này được áp dụng trong phạm vi Hy Lạp, nhưng sẽ không được chấp thuận rộng rãi như đồng euro. Việc phát hành quá nhiều nội tệ cũng có thể khiến đồng tiền này mất giá, Bloomberg nhận định.
Từ bỏ cả eurozone và EU. Hiện Hy Lạp có từ bỏ EU hay không vẫn còn là câu hỏi còn để ngỏ. Phát biểu trên The Guardian mới đây, ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện EU, cho biết, rời eurozone cũng đồng nghĩa với việc rời EU. Tuy nhiên, trong hiệp ước của EU chưa có điều khoản nào quy định việc buộc một nước ra khỏi khối này. Và phần lớn người dân Hy Lạp vẫn mong muốn ở lại.
Thủ tướng Hy Lạp ngụ ý sẽ từ chức
Ủy ban châu Âu, một trong các chủ nợ của Hy Lạp, muốn Athens tăng thuế và cắt ngân sách cho phúc lợi xã hội. Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào Chủ nhật tới sẽ quyết định việc Hy Lạp có chấp nhận đề xuất của các chủ nợ hay không. Các lãnh đạo châu Âu cảnh báo, việc Hy Lạp từ chối có thể dẫn đến việc nước này ra khỏi eurozone. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm 29/6 kêu gọi người dân Hy Lạp bác bỏ đề xuất của các chủ nợ để trao thêm “vũ khí mạnh hơn” cho nước này trong các cuộc đàm phán.
Ông Tsipras ngụ ý rằng, ông sẽ từ chức nếu kết quả trưng cầu dân ý là “có”. “Nếu người dân Hy Lạp muốn thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng mãi, điều đó sẽ khiến chúng ta không thể nhấc đầu lên được… Chúng tôi tôn trọng điều đó, nhưng chúng tôi sẽ không phải là những người triển khai”, BBC tối qua dẫn lời ông Tsipras.
Chứng khoán Việt sẽ bị ảnh hưởng?
Các công ty chứng khoán SSI, MSB, BVS vừa lưu ý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam rằng, dù kết quả cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp chỉ có thể biết sau ngày 5/7 khi nước này trưng cầu dân ý, nhưng họ cần lưu tâm trong các quyết định giải ngân.
Khánh Huyền