THẾ GIỚI 24H: Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt gần 500 tay súng người Kurd tại Syria

Ảnh: Reutes
Ảnh: Reutes
TPO - Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định tấn công người Kurd tại Syria, sau khi Liên quân do Mỹ dẫn đầu có ý định thành lập “lực lượng an ninh biên giới Syria” với khoảng 30.000 thành viên mà nòng cốt là các tay súng người Kurd ở Syria – lực lượng vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là chi nhánh của tổ chức khủng bố Đảng công nhân người Kurd (PKK) tại nước này.

Tổng thống Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỹ đã đẩy lùi lực lượng người Kurd ở Afrin về phía khu vực miền núi Barsaya. Theo tờ Daily Sabah, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cùng lực lượng nổi dậy Quân đội Syria tự do (FSA) đến chiều 28/1 đã chiếm được khu vực miền núi nói trên. Ngày 28/1, Mỹ đã đưa ra cam kết sẽ dừng vũ trang cho lực lượng người Kurd ở Syria. Tuy nhiên, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kêu gọi Mỹ rút quân khỏi khu vực Manbij – mục tiếp tiếp theo của Chiến dịch “Nhành Olive” sau Afrin.


Hãng thông tấn Hurriyet chiều 28/1 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã thống nhất giảm leo thang căng thẳng song phương liên quan đến tình hình chiến sự ở Bắc Syria. Đây là khu vực đang diễn ra chiến dịch “Cành ô liu” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh là nhóm vũ trang Quân đội tự do Syria (SFA) nhắm vào lực lượng dân quân người Kurd (YPG) một tuần qua.


Thủ tướng Yemen Ahmed bin Dagher cáo buộc ly khai ở miền Nam nước này đang tiến hành đảo chính sau khi các tay súng này chiếm một căn cứ quân sự quan trọng và tòa nhà chính quyền của thành phố Aden. Các cuộc giao tranh giữa lực lượng ủng hộ ly khai với binh sĩ Yemen đã khiến ít nhất 10 binh sĩ thiệt mạng và 30 người bị thương. Phe đòi ly khai đặt ra yêu cầu Chính phủ của Tổng thống Hadi từ chức và muốn tách khu vực Nam Yemen để thành lập một quốc gia độc lập.


National Interest khẳng định Nhật Bản mới là nước có lực lượng hải quân mạnh nhất châu Á. Theo National Interest, lực lượng hải quân đáng gờm nhất châu Á có tổng cộng 114 chiến hạm và 45.800 nhân viên tình nguyện. Lực lượng này sở hữu một hạm đội lớn gồm các tàu khu trục nhanh, mạnh, các tàu ngầm tấn công diesel-điện cực kỳ hiện đại, cùng với các tàu đổ bộ có thể chuyên chở xe tăng và lục quân.


Cảnh sát Nga bắt giữ thủ lĩnh đối lập Navalny vì biểu tình trái phép tại Moscow ngày 28/1 để phản đối cuộc bầu cử Tổng thống Nga dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới. Nhà chức trách cho hay ông Navalny đã bị đưa đến một đồn cảnh sát và sẽ phải đối mặt với tội danh tổ chức biểu tình trái phép.


Đức đặt mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới trước ngày 4/2. Kể từ cuộc bầu cử quốc hội tháng 9/2017 đến nay, chính trường Đức rơi vào cảnh bế tắc khi bên thắng cuộc là Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel không thể thành lập được chính phủ mới và kịch bản bầu cử lại đã được tính đến. Tuy nhiên, thế bế tắc đã được khai thông sau cuộc họp giữa CDU/CSU với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và các bên liên tiếp triển khai các cuộc đàm phán. Trong trường hợp suôn sẻ, đàm phán có thể kết thúc trong tháng 2/2018.


Hoàng tử Alwaleed bin Talal, người được mệnh danh là “Warren Buffet của Ảrập Xêút” vừa được trả tự do sau gần 3 tháng bị giam từ ngày 4/11/2017 trong cuộc chiến chống tham nhũng của em họ - Thái tử Mohammed bin Salman. Hoàng tử Alwaleed bin Talal là tỷ phú ăn chơi khét tiếng nhất trong số 350 người bị tạm giam, trong đó có một số tỷ phú, bộ trưởng của Ảrập Xêút. (XEM CHI TIẾT)


Quân đội Mỹ ngày 28/1 đã bàn giao số trực thăng Black Hawk cuối cùng cho phía Jordani để tăng cường khả năng chiến đấu chống IS. Theo đó, tổng số trực thăng mà Jordani nhận được từ Mỹ trong 9 tháng qua đã được nâng lên con số 12. Lễ bàn giao được thực hiện tại căn cứ không quân Vua Abdullah 2 tại tỉnh Zarqa cách thủ đô Amman của Jordani 35km.


Các chuyên gia quân sự cho rằng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc có thể chạy quá ồn nên dễ dàng bị hải quân Nhật Bản phát hiện khi gần đây tiến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước. (XEM CHI TIẾT)


Sự xuất hiện của các tổ hợp tên lửa dưới nước có khả năng tấn công ở cự ly 3.000km trong tương lai có thể khiến các tàu sân bay như hiện nay sẽ mất đi tính cần thiết và bị loại khỏi đội hình chiến đấu của hải quân các nước. Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu khoa học đóng tàu trực thuộc Học viện Hải quân Nga, ông Oleg Shnurkov. (XEM CHI TIẾT)

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG