Trong lá thư từ chức, ông bày tỏ “sợ hãi” khi London từ bỏ các cam kết về môi trường và rút lại vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế, bao gồm việc hủy bỏ một dự luật phúc lợi động vật hàng đầu và cam kết chi 11,6 tỷ bảng cho khí hậu và môi trường. Ông Sunak đã chấp nhận thư từ chức nêu trên. Ông Goldsmith, giữ chức vụ Bộ trưởng phụ trách vùng lãnh thổ hải ngoại, khối thịnh vượng chung, năng lượng, khí hậu và môi trường từ ngày 22/9/2022 dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss.
Mỹ tái gia nhập UNESCO. Mỹ đã chính thức tái gia nhập UNESCO sau khi các thành viên của tổ chức này bỏ phiếu ủng hộ sự quay lại của Mỹ. Tại phiên họp toàn thể bất thường của UNESCO ngày 30/6, các nước thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ sự trở lại của Mỹ với 132 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 15 phiếu trắng. Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay cho rằng, việc Mỹ quay trở lại UNESCO sẽ giúp tổ chức này ở vị thế mạnh mẽ hơn để thực hiện sứ mệnh của mình.
Nga tuyên bố đánh chặn 7 tên lửa HIMARS. Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, cho biết lực lượng phòng không Nga đánh chặn 7 tên lửa được bắn từ hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất. "Các lực lượng phòng không đã đánh chặn 7 tên lửa từ hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS trong 24 giờ qua", Trung tướng Igor Konashenkov nói hôm 30/6. Ngoài ra, các hệ thống phòng không của Nga đã phá hủy 10 máy bay không người lái của Ukraine tại khu vực gần các khu định cư Tokmak, Mirnoye, Novoye, Chumatskoye và Chervonoarmeiskoye ở vùng Zaporizhzhia và Golaya Pristan ở vùng Kherson.
Biểu tình bạo loạn lan rộng, Pháp điều 45.000 cảnh sát vãn hồi trật tự. Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã điều động 45.000 cảnh sát xuống đường sau 3 đêm biểu tình bạo loạn. Tình trạng bất ổn hiện đã lan rộng khắp nước Pháp, bao gồm cả ở các thành phố như Marseille, Lyon, Toulouse, Strasbourg, Lille và thủ đô Paris, nơi Nahel M., chàng trai 17 tuổi gốc Algeria và Maroc bị một cảnh sát bắn tử vong ở vùng ngoại ô Nanterre hôm 27/6.
Chính phủ Pháp họp khẩn sau ba đêm bùng phát bạo động. Các cuộc biểu tình bạo loạn ở Pháp kéo dài sang đêm thứ 3, khi cảnh sát tăng cường bắt giữ những người có hành vi quá khích, chủ yếu là thanh thiếu niên. Hôm 30/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp, khi tình hình bạo loạn không có dấu hiệu lắng dịu. Sau cuộc họp, ông Macron kêu gọi các bậc phụ huynh ở Pháp ngăn con cái tham gia bạo loạn trên đường phố
Pháp dừng mọi hoạt động giao thông công cộng trên toàn quốc do bạo động. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin hôm 30/6 đã yêu cầu các địa phương trên cả nước dừng các hoạt động giao thông công cộng bằng xe buýt và xe điện từ 21 giờ tối (giờ địa phương). Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp, sau các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng giao thông và công cộng trong thời gian xảy ra bạo loạn, việc ngừng hoạt động sớm là vì sự an toàn của nhân viên và hành khách.
Ngày 30/6, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua việc chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình kéo dài hàng thập kỷ tại Mali. Cuộc bỏ phiếu diễn ra 2 tuần sau khi Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop khiến Hội đồng Bảo an choáng váng khi gọi sứ mệnh của Liên Hợp Quốc là một "thất bại" và kêu gọi chấm dứt sứ mệnh này ngay lập tức.
Nga và Iran mở thêm nhiều đường bay trực tiếp. Nga và Iran đã nhất trí mở thêm nhiều đường bay trực tiếp giữa các thành phố. Người đứng đầu Tổ chức Hàng không dân dụng Iran (CAO), Thứ trưởng Bộ Phát triển đô thị và đường sá, ông Mohammad Mohammadi Bakhsh, cho biết thỏa thuận trên đã được hai bên ký kết trong chuyến thăm của ông tới Nga hồi tháng Tư vừa qua. Theo quan chức trên, việc mở rộng các đường bay trực tiếp giữa hai nước cũng nằm trong lịch trình và sẽ đạt được thông qua hợp tác giữa các hãng hàng không của hai nước.
Mỹ điều máy bay ném bom hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên. Ngày 30/6, Mỹ đã điều máy bay ném bom hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên nhằm phô trương sức mạnh với Triều Tiên sau một loạt các cuộc biểu tình chống Mỹ ở Bình Nhưỡng. Đây là động thái mới nhất của Mỹ trong việc triển khai tạm thời các nguồn lực chiến lược ở Hàn Quốc nhằm đáp trả việc Triều Tiên tìm cách mở rộng kho hạt nhân của mình.
Ba Lan bắt vận động viên Nga nghi làm gián điệp. Ngày 30/6, viết trên mạng xã hội, Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro nêu rõ: “Các điệp viên Nga đang bị bắt từng người một!... Một điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc vận động viên đã bị bắt, một người Nga là cầu thủ đang chơi ở một câu lạc bộ hạng nhất”. Các công tố viên cho biết vận động viên trên tới Ba Lan từ tháng 10/2021 và bị bắt ở khu vực Silesia, miền Nam Ba Lan với cáo buộc có hành động xác định hạ tầng quan trọng ở nước này. Nếu bị kết tội, người này có thể đối mặt mức án 10 năm tù. Ba Lan cho biết đây là người thứ 14 bị bắt của mạng lưới gián điệp Nga.