Thời điểm giữa tháng 4/2024, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sạch, nước không đảm bảo vệ sinh.
Thông tin từ Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội - đơn vị đang cung cấp nước sạch cho 16 quận, huyện trên địa bàn thành phố với trên 4 triệu dân cho biết, theo dự báo, nhu cầu sử dụng nước năm 2024 tại các địa bàn đơn vị được giao phụ trách tiếp tục tăng từ 2 - 4% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương mức 750.000 - 780.000m3/ngđ, cao điểm những ngày nắng nóng có thể tăng đến 9%, lên mức 800.000m3/ngđ.
Người dân KĐT Thanh Hà phải lấy nước từ xe stec trong đợt khủng hoảng nước sạch năm 2023 |
Trong khi đó, các nguồn nước do đơn vị tự sản xuất giảm do ảnh hưởng của sụt giảm nguồn nước ngầm và chất lượng nước. Các nguồn nước cấp vào mạng khác như nước mặt sông Đà, sông Đuống khoảng 740.000m3/ngđ; dự báo nguồn nước sẽ thiếu so với nhu cầu bình quân từ 10.000 - 40.000m3/ngđ, cao điểm có thể thiếu tới 60.000m3/ngđ.
Tình trạng trên sẽ khiến một số khu vực tiếp tục xảy ra thiếu nước, thậm chí mất nước tại một số thời điểm nắng nóng như: khu vực ngoài đê An Dương, Phúc Xá, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phúc (quận Ba Đình); khu vực Đê Quai, Âu Cơ, Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ); Nguyễn Khoái, cuối phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng)…
Tăng tạm thời khai thác nước ngầm
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhu cầu sử dụng nước mùa hè năm 2024 là 1.434.000m3/ngày, đêm, tăng 87.000 m3/ngày, đêm, lúc cao điểm có thể thiếu từ 50.000 - 70.000m3/ngày, đêm. Khi các nguồn nước mặt không đủ cung ứng cho người dân Thủ đô thì buộc phải sử dụng các nguồn nước ngầm dự phòng.
Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh giấy phép nâng cấp công suất khai thác nước dưới đất cho bãi giếng Mai Dịch. Nguồn nước ngầm này cùng với nguồn nước ngầm dự phòng sẽ cung cấp thêm cho thành phố khoảng 100.000m3/ngđ. “Đây là giải pháp tạm thời để cấp đủ nước sạch cho người dân trong giai đoạn hè 2024”, đại diện Sở Xây dựng thông tin.
Theo các chuyên gia lĩnh vực cấp nước, việc các nhà máy nước mặt đạt giới hạn công suất nhưng vẫn thiếu nước sinh hoạt cho thấy việc điều hành mạng lưới nước sạch “có vấn đề”. Mục tiêu giảm khai thác nước ngầm theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 là đúng đắn.
Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội mà cụ thể ở đây là Sở Xây dựng cần phải đảm bảo nguyên tắc khi nào nước mặt đủ nguồn cung mới giảm nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần bổ sung nguồn lực để đầu tư hệ thống mạng lưới phân phối nước, từ đó đảm bảo luân chuyển nước cho người dân.