Thay đổi tập quán để Tết văn minh, tiết kiệm hơn

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh
TP - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và đánh giá của các chuyên gia, năm nào vào tháng Tết, số lượng và giá cả đồ uống (phần nhiều có cồn), thuốc lá lại tăng mạnh. Hệ lụy từ việc lạm dụng các chất kích thích đã làm tăng chi phí xã hội, ảnh hưởng tới sức lao động sau Tết…

Theo Tổng cục Thống kê, thời điểm Tết Nguyên đán thị trường cung cầu hàng hóa trong nước sôi động, nhu cầu mua sắm cho sản xuất và tiêu dùng tăng cao. Sức mua thường tăng mạnh ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống và một số sản phẩm thiết yếu khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Chỉ tính riêng tháng 2/2015 (tháng Tết), tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã đạt 276,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng 1.

TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển) cho biết, nghỉ Tết ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh. Trước và sau Tết người dân đều có những hoạt động ngoài công việc lo cho lễ, Tết. Trong khi bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, riêng năm 2015 có tới hơn 71.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, phải xem xét, tổ chức lại Tết cho văn minh, truyền thống, giảm tác hại. Năm nào cũng vậy, tình hình sản xuất của nền kinh tế những tháng Tết đều tụt giảm rõ rệt.  Theo ông Doanh, chỉ tính riêng số người bị tai nạn giao thông, đánh nhau, ngộ độc bia rượu nhập viện trong dịp Tết lên tới hàng ngàn người đã thấy tác hại của Tết hiện nay nghiêm trọng vô cùng. Những tác hại này không chỉ làm tăng chi phí xã hội, còn gây mất mát với lực lượng lao động. Sau Tết lại lễ hội, đình chùa mất rất nhiều thời gian đáng lẽ dành cho giải quyết công việc, sản xuất, kinh doanh. “Tất cả những điều đó diễn ra trong 1 xã hội văn minh, khoa học phát triển, còn ở ta người dân vẫn đi cầu xin, khấn vái thần thánh. Vấn đề đã quá nghiêm trọng rồi”, ông Doanh nói. Theo ông Doanh, cần xem lại trách nhiệm của các đoàn thể, cơ quan, thậm chí Quốc hội, Chính phủ cũng phải có phản ứng. Mục tiêu làm sao Tết văn minh hơn, tiết kiệm hơn.

Nhà nước cần vận động để người dân thay đổi quan niệm, lối sống. Nhà nước nên có đánh giá, tổng kết nghiêm túc về tình hình kinh tế - xã hội những dịp Tết, để sau đó có giải pháp thay đổi việc tổ chức Tết, lễ hội đầu năm.

Theo Tổng cục Thống kê, Tết Nguyên đán 2015 rơi vào tháng 2, nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng này giảm tới 19,2% so với tháng 1.  

MỚI - NÓNG