Mặc dù năm học đã kết thúc, phần lớn sinh viên nghỉ hè, về quê tránh nóng nhưng không ít bạn trẻ vẫn quyết định ở lại Hà Nội học, làm thêm kiếm thêm thu nhập.
Mùa hè năm nay, dự báo nắng nóng còn diễn ra phức tạp. Vì vậy, các sinh viên, nhất là sinh viên có điều kiện kinh tế eo hẹp vẫn phải chật vật chống chọi với nắng nóng và chi phí tiền điện.
Giữa mùa hè nóng bức, việc sử dụng nhiều các thiết bị điện khiến tiền điện phòng trọ của sinh viên tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Nhiều chủ nhà trọ lâu nay đã thu tiền điện ở mức 3.500 đến 3.800 đồng/kWh nay đã tăng lên 4.000 đồng/kWh với lý do "nhảy bậc" tiêu dùng điện. Trong khi với giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất hiện cũng chỉ ở mức 3.015 đồng/kWh.
Mai Văn Hiệp, sinh viên năm 4 trường đại học Công nghiệp Hà Nội, chia sẻ: “Bình quân các tháng trước, em dùng hết 80 đến 100 số điện, nhưng hai tháng trở lại đây, dao động từ 180 – 200 số điện. Mặc dù phòng em có điều hòa nhưng để tiết kiệm điện, thi thoảng em mới dám bật, chủ yếu dùng quạt. Em thường xuyên vào thư viện trường để học thay vì về phòng trọ. Là sinh viên ngoại tỉnh lên Hà Nội học, em còn có rất nhiều khoản chi tiêu khác phải lo nên cần tiết kiệm".
Mai Văn Hiệp không dám bật điều hòa, dù thời tiết nóng bức. |
“Ngoài giờ lên giảng đường, mình còn phải tích cực viết truyện, đi làm gia sư... hay đến các địa điểm công cộng học bài lúc rảnh rỗi. Thời tiết Hà Nội ngày càng bức bối nên em phải giảm thời gian sử dụng điều hòa xuống để tiết kiệm điện. Em tính toán chi li, tỉ mỉ những khoản có thể cắt giảm để dồn vào tiền nhà, tiền điện nước nhưng vẫn rất khó khăn”, đó là những chia sẻ của Nguyễn Khắc Hiếu nam sinh năm 4 trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trước nhu cầu sử dụng điện và giá điện đều tăng, nhiều sinh viên lựa chọn cách tiết kiệm chi tiêu để đỡ phí sinh hoạt trong lúc chờ giá điện ổn định trở lại. Để tiết kiệm chi tiêu hàng tháng, sinh viên lựa chọn địa điểm học nhóm tại các quán cà phê, phòng tự học dành cho sinh viên... Tất nhiên, mục tiêu ngồi để tiết kiệm tiền điện nên việc gọi các món nước cũng rất hạn chế.
Sinh viên chật vật trong nắng nóng trong dịp hè tại Hà Nội |
Anh Lê Văn Quang, 28 tuổi, cán bộ một công ty tư nhân tại quận Thanh Xuân cho hay: “Gần đây, sinh viên thực tập thường nán lại cơ quan làm việc đến muộn, “xin” đi làm cả ngày nghỉ. Một trong những mục tiêu của các bạn ấy là có một chỗ tránh nóng tốt, thoải mái, làm việc hiệu quả".
Nán lại ở nơi làm việc cũng là cách các bạn sinh viên tránh nóng, tiết kiệm điện. |