Giá xăng tăng, sinh viên chật vật làm thêm, tằn tiện chi tiêu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Xăng dầu tăng kéo theo bão giá đang làm khó các sinh viên bám trụ lại Hà Nội. Các bạn trẻ tìm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu hoặc tăng giờ làm thêm để có tiền trang trải cho cuộc sống và học tập.

Tăng ca

Cũng giống nhiều sinh viên khác, nghỉ hè, Hoàng Văn Hiếu (quê Tuyên Quang, sinh viên năm ba của một trường đại học ở Thủ đô) chọn ở lại để đi học thêm, trau dồi kiến thức tại một trung tâm Anh ngữ. Nhưng đã nửa tháng nay, Hiếu nhận làm cùng lúc hai công việc trong ngày. Buổi sáng, Hiếu làm công việc đã gắn bó hai năm nay - đi chạy xe ôm công nghệ; buổi tối tiếp tục với việc pha chế, bưng bê ở một quán cà phê.

Giá xăng tăng, sinh viên chật vật làm thêm, tằn tiện chi tiêu ảnh 1

Nhiều sinh viên nhận chạy xe ôm công nghệ để cải thiện thu nhập.

Trò chuyện với PV Tiền Phong, Hiếu cho biết nhà em nghèo, bố mẹ làm nương rẫy nên những ngày đầu xa nhà, em đã xin bố để lại cho chiếc xe Wave cũ để chạy xe ôm, đỡ đần gia đình. “Đợt dịch vừa qua, nhất là từ đợt nghỉ lễ 30/4 năm ngoái, em quyết ở lại Hà Nội để làm thêm nhưng gần như không có khách vì giãn cách. Giờ hàng hóa cái gì cũng tăng, tiền lái xe được ít, em phải xin làm thêm chỗ khác”, Hiếu chia sẻ.

Chàng trai quê Tuyên Quang cho hay, trước đây, những ngày cuối tuần hay sinh nhật thường tụ tập bạn bè vui vẻ. Một bữa liên hoan, mỗi người cũng mất 200-300 nghìn đồng. Hiện nay, để cân bằng cuộc sống và học tập, Hiếu thường mua đồ về nấu ăn tại phòng trọ, giảm bớt đi ăn ngoài và liên hoan, tiệc tùng với bạn bè.

Giá xăng tăng, sinh viên chật vật làm thêm, tằn tiện chi tiêu ảnh 2

Mì gói hay bánh mì là lựa chọn thường xuyên của nhiều bạn trẻ trong bữa ăn để tiết kiệm chi phí.

Là con gái nên Nguyễn Minh Hằng không thể làm thêm công việc “đo mặt đường”, nắng gió như Hiếu. Để chống chọi với cơn bão giá, nữ sinh trường Đại học Thương mại Hà Nội gần đây xin làm nhân viên ở một tiệm làm tóc. Tuy nhiên, với mức lương bèo bọt, dù đã ăn uống tiết kiệm, Hằng vẫn phải chật vật với cuộc sống tự lập của mình.

“Trước đây, em chỉ xin bố mẹ khoảng 3 triệu đồng/tháng, đủ đóng tiền trọ và ăn uống, chi tiêu. Do nhà cũng gần nên em vẫn thường về dịp cuối tuần để mang đồ ăn lên dùng. Bây giờ, với số tiền đó, không đủ sống. Em lại thấy thương gia đình ở nhà kinh tế trung bình nên không dám xin thêm, đành chấp nhận đi làm”, Hằng tâm sự.

Tự nấu ăn, rủ nhau ở ghép

Dù đã chăm về quê lấy thêm đồ ăn, nhưng vẫn phải đi chợ mua sắm thêm đồ. Minh Hằng cho biết, hiện gần như mặt hàng nào cũng tăng. Bắp cải giờ có giá 25-30 nghìn đồng, một gói mì tôm giờ cũng nhỉnh lên 5-6 nghìn đồng/gói. Trước mắt, nữ sinh quê Bắc Ninh tập trung vào việc làm thêm và tìm thêm một bạn nữ ở ghép để giảm áp lực tiền trọ.

Giá xăng tăng, sinh viên chật vật làm thêm, tằn tiện chi tiêu ảnh 3

Vốn có thói quen ăn bên ngoài, bạn trẻ tên Mạnh chuyển sang mua đồ về nấu tại phòng.

Nửa tháng nay, Nguyễn Văn Mạnh - sinh viên trường Đại học Hà Nội đã thích nghi dần với việc nấu ăn tại phòng trọ. Tự nhận mình có lối sống khá thoáng, Mạnh chia sẻ, trước đây cậu bạn quen sống một mình vì cảm thấy được tự do; gần như 100% mua đồ ăn ngoài, thi thoảng lại mua cho mình vài bộ quần áo mới, tụ tập bạn bè. Như vậy, một tháng, Mạnh cần có trong tài khoản khoảng 5 triệu đồng.

Giá xăng tăng, sinh viên chật vật làm thêm, tằn tiện chi tiêu ảnh 4

Bữa ăn giản dị tại phòng trọ của sinh viên thời "bão giá".

“Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, nếu còn giữ thói quen như thế chắc chắn em không thể trụ nổi. Nửa tháng nay, em đã mua đồ về tự nấu, bớt đi ăn ngoài (trừ lúc nào có ít thời gian). Ban đầu, thực sự thấy hơi sốc vì phải thay đổi gần như 180 độ; nhưng thấy gánh nặng tài chính đã đỡ hơn khá nhiều, em sẽ quyết tâm!”, Mạnh nói.

Cũng giống như đa số những sinh viên ngoại tỉnh điều kiện kinh tế khó khăn, Mạnh đã có hai năm làm phụ việc ở một nhà hàng gần phòng trọ. Thời gian nghỉ hè, nam sinh xin làm thêm ca để cải thiện thu nhập. Thay vì đi xe máy như mọi khi, chàng sinh viên tạo thói quen đi bộ. Mạnh đang tìm thêm 1-2 người nữa để ở ghép chia sẻ tiền trọ.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.