Quá muộn

Quá muộn
TP - TPHCM đang vào mùa dịch sốt xuất huyết khá căng thẳng đi kèm với một vài dịch bệnh khác đang “diễn biến phức tạp”. Mỗi khi có dịch, hay mỗi khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên nhãn tiền, nhiều người lại nhắc đến vai trò của y tế dự phòng.

Nhưng theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện cả nước thiếu tới 23.000 nhân viên y tế dự phòng.

Ai cũng hiểu phòng bệnh luôn quan trọng hơn chữa bệnh, nhưng vì sao nghịch lý dự phòng èo uột trong khi khám chữa bệnh luôn được quan tâm đầu tư? Một số bác sỹ được hỏi đã nói sinh viên ngành y ra trường chẳng ai muốn về làm việc tại các trung tâm y tế dự phòng, vì nhiều lý do: họ sợ thui chột nghề vì không được tiếp xúc với bệnh nhân với quan niệm “đã là bác sỹ thì phải lâm sàng”; công tác y tế dự phòng cũng không mang lại nhiều cơ hội về tiền bạc, về bổng lộc; ở góc độ khác, mỗi thành công trong việc khám chữa bệnh đều rất ngoạn mục. Bác sỹ nối thành công chân tay đứt lìa, cấy ghép van tim, mắt… đều là những thông tin được truyền thông sôi nổi. Cũng nhờ thế mà không chỉ bản thân bác sỹ, bệnh viện mà thậm chí là cả những người đứng đầu Bộ Y tế cũng “thơm lây”. Trong khi đó, thành công của y tế dự phòng là rất âm thầm. Nói cho đúng, để xảy ra dịch rồi dập chỉ là thành công một nửa, không để xảy ra dịch, không để xuất hiện các loại dịch bệnh mới mới là thành công thực sự của ngành y tế dự phòng. Y tế dự phòng, như nhận định của nhiều chuyên gia, còn đóng vai trò giảm chi phí điều trị (vì phòng ngừa tốt), nâng cao tuổi thọ, sức khỏe người dân, thậm chí là đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện giống nòi (chiều cao, cân nặng, chỉ số thông minh)…

Các chuyên gia đều thừa nhận rằng ở các nước phát triển, đầu tư cho y tế dự phòng luôn chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí trên 50% tổng ngân sách và đây hoàn toàn là khoản đầu tư thông minh, có tính khoa học cao. Trong khi đó, tại Việt Nam, đầu tư cho y tế dự phòng thậm chí chưa được tới 30%, đa phần ngân sách được phân bổ cho điều trị. Và thêm một nghịch lý nảy sinh từ đây: Việt Nam được xem là nước có hệ thống y tế cơ sở, nói như một số quan chức, là tốt nhất thế giới bởi đến y tế cơ sở có từ cấp phường, xã. Nhưng hiệu quả của hệ thống này thì ai cũng rõ. Nhiều cơ sở y tế phường, xã chỉ có vài trò bán thuốc tây, chức năng khám, chữa bệnh coi như bằng không. 

Nhưng trong bối cảnh ấy, ở tầng vĩ mô, y tế dự phòng vẫn chưa được xem là có vai trò quan trọng, bằng chứng là ở nhiều cơ sở đào tạo nhân viên y tế, gần như chưa có khoa y tế dự phòng, hầu hết mới chỉ là một bộ môn.

Dịch bệnh xuất hiện liên miên, mới thấy vai trò của y tế dự phòng là quá muộn.

MỚI - NÓNG