THẾ GIỚI 24H: Nga đưa quân vào miền đông Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho lực lượng “duy trì hòa bình” tới vùng ly khai ở miền đông Ukraine, vài giờ sau khi Điện Kremlin công nhận độc lập của khu vực này.

Trong sắc lệnh do ông Putin ký hôm 21/2, Bộ Quốc phòng được chỉ đạo nối lại chức năng "gìn giữ hòa bình" ở vùng ly khai Donetsk và Luhansk của Ukraine. Nga chưa công bố thêm thông tin hoặc về ngày điều binh, còn sắc lệnh chỉ cho biết "có hiệu lực kể từ ngày ký". Văn bản này "tạo cơ sở pháp lý" cho sự hiện diện của quân đội Nga trên hai khu vực ly khai của Ukraine, nhằm "bảo đảm hòa bình và duy trì an ninh".Cũng theo sắc lệnh, Tổng thống Putin chỉ đạo Bộ Ngoại giao "thiết lập quan hệ ngoại giao" với hai "nhà nước cộng hòa" mà Nga vừa công nhận.(XEM CHI TIẾT)


Nga công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass. Hãng tin TASS của Nga đưa tin, rạng sáng 22/2 theo giờ Hà Nội, Nga đã công nhận nền độc lập, đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ với hai nước cộng hòa tự xưng Donest (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền đông Ukraine. Nhiều nước trên thế giới đã ngay lập tức có phản ứng trước bước đi của Nga.(XEM CHI TIẾT)


Nga ký thoả thuận với 2 vùng ly khai Ukraine để mở căn cứ quân sự. Nga có quyền xây dựng căn cứ quân sự ở 2 vùng ly khai của Ukraine theo thoả thuận mới ký với các lãnh đạo ở đó. Đó là nội dung của một thoả thuận được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký và công bố ngày 21/2. (XEM CHI TIẾT)


Mỹ sẽ trừng phạt hai vùng ly khai ở Ukraine. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ sớm ban hành lệnh cấm hoạt động kinh tế giữa các cá nhân Mỹ với khu vực ly khai ở miền đông Ukraine mà Nga vừa công nhận độc lập. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết sắp có thêm nhiều biện pháp nữa. Những biện pháp này tách biệt với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh đã chuẩn bị trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.


EU sẽ thành lập đoàn cố vấn quân sự ở Ukraine. Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập một phái đoàn cố vấn quân sự ở Ukraine, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm qua thông báo tại Brussels. (XEM CHI TIẾT)


Nga tuyên bố tiêu diệt 5 binh sĩ Ukraine xâm nhập lãnh thổ. Quân đội Nga tuyên bố đã nổ súng về phía “một nhóm trinh sát Ukraine” đang cố xâm nhập nước này, tiêu diệt 5 quân nhân và phá huỷ các phương tiện của họ. (XEM CHI TIẾT)


Trung Quốc tố thông tin chiếu laser của Australia là “sai sự thật”. Trong phản ứng mới nhất, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi khẳng định, tuyên bố của phía Australia “không phù hợp với thực tế”. Bắc Kinh cho biết, máy bay của Canberra ở rất gần tàu của Trung Quốc và thả phao sonar quanh tàu. Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi đây là “hành động khiêu khích ác ý” và cho rằng việc làm này “rất dễ dẫn đến hiểu lầm và đánh giá sai, đe dọa sự an toàn của tàu thuyền, máy bay và nhân viên hai bên”.


Khoảng 60 người đã thiệt mạng trong vụ nổ xảy ra tại một địa điểm khai thác vàng thủ công ở khu vực Gbomblora, thuộc tỉnh Poni, Tây Nam Burkina Faso. Theo đó, 55 người đã chết tại hiện trường thảm kịch, trong khi 4 người bị thương khác đã không qua khỏi trong bệnh viện. Hiện chưa có thông tin chi tiết về thảm kịch, tuy nhiên một số nhân chứng cho biết vụ nổ có thể bắt nguồn từ một đám cháy trong kho dự trữ thuốc nổ được những người khai thác vàng sử dụng trong quá trình làm việc. Giới chức địa phương đã đến hiện trường và mở cuộc điều tra nguyên nhân vụ nổ.


Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.111.692 trường hợp mắc COVID-19 và 4.278 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 425 triệu ca, trong đó trên 5,9 triệu người không qua khỏi. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.


Quân đội Ai Cập ngày 21/2 cho biết nước này và Pháp đã bắt đầu cuộc tập trận chung của lực lượng hải quân và không quân tại Địa Trung Hải. Cuộc tập trận mới nhất này nhằm mục đích "trao đổi kinh nghiệm về chiến lược và tác chiến thực địa, cũng như chuẩn bị cho bất cứ hoạt động chung giữa hai bên”. Ông Gharib Abdelhafiz đồng thời nêu rõ các cuộc tập trận giữa Ai Cập và Pháp nhằm "bảo vệ các mục tiêu sống còn tại Địa Trung Hải”.


Trung Quốc thiết lập căn cứ tên lửa lớn ở Bangladesh. Theo tờ Thời báo Âu-Á (eurasiantimes.com), một thập kỷ sau khi Trung Quốc chuyển giao các hệ thống tên lửa đất đối không cho Bangladesh, quốc gia này đang chuẩn bị thiết lập một cơ sở bảo dưỡng và đại tu, có thể dùng làm dây chuyền sản xuất tên lửa tương tự và các biến thể nâng cấp của nó.

MỚI - NÓNG