EU sẽ thành lập đoàn cố vấn quân sự ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập một phái đoàn cố vấn quân sự ở Ukraine, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm qua thông báo tại Brussels.

"Chúng tôi đã đạt được thoả thuận về nguyên tắc với EU, rằng EU sẽ lập một lực lượng cố vấn ở Ukraine… Đây không phải lực lượng chiến đấu”, ông Kuleba cho biết sau cuộc gặp các ngoại trưởng EU. Trong khi đó, quan chức phụ trách đối ngoại EU cho biết liên minh này chưa áp biện pháp trừng phạt Nga, trái với mong muốn của Kiev về việc lập tức trừng phạt Mátxcơva để ngăn ngừa chiến tranh, thay vì chờ đến khi Nga tấn công thực sự.

EU sẽ thành lập đoàn cố vấn quân sự ở Ukraine ảnh 1

Một ngôi trường nằm gần chiến tuyến ở Luhansk, Ukraine bị hư hại nặng nề Ảnh: Reuters

Mỹ và các đồng minh tuyên bố sẽ áp các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và rộng khắp đối với Nga nếu nước này tiến quân vào Ukraine. “Chúng tôi chờ đợi quyết định”, Ngoại trưởng Ukraine nói trước khi gặp các ngoại trưởng EU. “Có rất nhiều quyết định EU có thể đưa ra từ bây giờ để gửi tín hiệu rõ ràng đến Nga rằng hành động leo thang sẽ không được tha thứ và Ukraine sẽ không bị bỏ rơi”, ông Kuleba nói. “Chúng tôi tin rằng có những lý do chính đáng để áp ít nhất một số biện pháp trừng phạt từ bây giờ để thể hiện rằng EU không chỉ nói, và còn thực hiện”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu Josep Borrell và một số ngoại trưởng khẳng định EU không có kế hoạch trừng phạt Nga vào lúc này. Ông Borrell cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp của EU để nhất trí quan điểm rằng chỉ áp biện pháp trừng phạt “khi đến thời điểm”. Ông Borrell khẳng định EU ủng hộ những nỗ lực mới nhất nhằm tiếp tục đối thoại, sau khi Pháp cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã đồng ý về nguyên tắc sẽ gặp thượng đỉnh để bàn về Ukraine.

Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney nói rằng EU nên tập trung vào việc thúc đẩy đối thoại nhiều hơn với Mátxcơva. “Tôi nghĩ cách ngăn ngừa chiến tranh là đối thoại, tìm ra sự thoả hiệp và cách tiến về phía trước để ngăn chiến tranh ngay từ lúc đầu. Đó nên là ưu tiên của chúng ta vào thời điểm này”, ông Coveney nói.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cáo buộc Nga đang chơi “trò chơi vô trách nhiệm” với thường dân ở miền đông Ukraine và thúc giục Mátxcơva quay lại bàn đàm phán. Số vụ pháo kích ở khu vực phân chia giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai thân Nga gia tăng trong mấy ngày qua.

Hôm qua, Điện Kremlin xác nhận hai ông Putin và Biden có thể điện đàm hoặc gặp trực tiếp vào bất kỳ lúc nào, nhưng cho biết hai bên chưa có kế hoạch cụ thể cho một cuộc gặp thượng đỉnh.

Phe ly khai tố quân đội Ukraine tấn công dữ dội

Hai nước cộng hoà tự xưng ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine) cáo buộc quân đội Ukraine gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào khu vực này, đặc biệt là vào ban đêm. “Tình hình hiện tại đã trở nên tồi tệ hơn so với mấy ngày trước đó. Trong ngày 20/2, chúng tôi đã hứng khoảng 700 quả đạn pháo”, phát ngôn viên lực lượng dân quân “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng (DPR) nói.

Khu vực lân cận -Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng (LPR) cũng báo cáo tình trạng leo thang tương tự, khi các cuộc pháo kích xảy ra dọc chiến tuyến với quân đội Ukraine. Từ ngày 17/2, DPR và LPR cáo buộc quân đội Ukraine pháo kích dữ dội về phía khu vực ranh giới được thiết lập bởi các thỏa thuận ngừng bắn 2014-2015. “Tình hình trên chiến tuyến đã leo thang đáng kể trong những giờ qua”, phát ngôn viên lực lượng dân quân LPR nói. Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời một đại diện của LPR nói rằng, ít nhất 2 dân thường đã thiệt mạng vì hỏa lực của quân đội Ukraine cuối ngày 20/2. Các quan chức hàng đầu của LPR và DPR nhận định dường như Ukraine đang chuẩn bị một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào khu vực ly khai, dù Kiev phủ nhận cáo buộc này.

Tình hình leo thang liên tục đã khiến DPR và LPR vội vàng sơ tán dân thường sang khu vực Rostov của Nga. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cũng đã thiết lập lều trú ẩn tạm thời cho người tị nạn.

Nguy cơ xung đột khiến giá dầu tiếp tục tăng

Giá dầu tăng thêm hơn 1USD/thùng trong phiên giao dịch sáng 21/2 trước nguy cơ xung đột bùng phát giữa Nga và Ukraine, trong khi Mỹ và EU đều tuyên bố Nga sẽ bị trừng phạt nếu tấn công quốc gia láng giềng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố Nga sẽ bị ngắt khỏi thị trường tài chính quốc tế và các thị trường xuất khẩu lớn nếu tấn công Ukraine.

Giá dầu Brent tương lai tăng thêm 1,34 USD, tương đương 1,4%, lên 94,88 USD/thùng trong phiên sáng qua. Giá dầu WTI tương lai tăng thêm 1,68 USD, tương đương 1,8%, lên 92,75 USD/thùng. “Nếu Nga thực sự tấn công Ukraine như Mỹ và Anh cảnh báo trong những ngày gần đây, giá dầu Brent tương lai có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng”, nhà phân tích Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth, nhận định.

Trong khi đó, giá bitcoin hiện được giao dịch ở mức hơn 39.200 USD, giảm tiếp 1,78% trong 24 giờ qua. Xu thế này cho thấy tính rủi ro cao của các loại tiền số, trong khi tình hình thế giới bất ổn khiến giới đầu tư càng tìm đến các loại tài sản an toàn. “Tiền ảo một lần nữa cho chúng ta thấy đó là tài sản rủi ro cao, có triển vọng đen tối và có thể biến thành một thứ xấu xí”, Chris Weston, giám đốc nghiên cứu của hãng môi giới Pepperstone tại Melbourne (Úc) viết trong đánh giá đưa ra sáng qua.

Hai ông Macron - Putin điện đàm lần hai về Ukraine

Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cuộc điện đàm thứ hai liên tiếp vào rạng sáng 21/2 để thảo luận về tình hình Ukraine. “Vào lúc 1h sáng 21/2, theo đề nghị của Tổng thống Pháp Macron, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm thứ hai chỉ trong một ngày”, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết.

Theo ông Peskov, hai nhà lãnh đạo tiếp tục thảo luận về “tình hình xung quanh vấn đề Ukraine”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại giữa các cơ quan ngoại giao và cố vấn chính trị của nhóm Bộ tứ Normandy bao gồm Nga, Đức, Pháp, Ukraine. “Các cuộc tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Nga và Pháp có thể được tổ chức trong tương lai gần”, ông Peskov tiết lộ.

Cuộc điện đàm đầu tiên của hai ông Macron và Putin diễn ra sáng 20/2, kéo dài 1 giờ 45 phút. Hai nhà lãnh đạo đồng ý thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn leo thang xung đột ở miền đông Ukraine. Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về “một cuộc họp ở cấp cao nhất để xác định trật tự hòa bình và an ninh mới ở châu Âu”. Các cuộc đàm phán này sẽ có sự tham gia của “tất cả các bên liên quan”, có lẽ bao gồm cả Mỹ. Sau cuộc nói chuyện này, ông Macron tiếp tục điện đàm với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. Cuộc trao đổi kéo dài 30 phút, trong đó ông Zelensky “khẳng định quyết tâm không phản ứng trước các hành động khiêu khích và tôn trọng lệnh ngừng bắn”, theo Điện Elysee.

Minh Hạnh (theo TASS)

MỚI - NÓNG